Làm gì để hạn chế bao bì nhựa sử dụng một lần?
Hơn tuần qua, gia đình tôi khi ăn mì tôm, phở gói hay bánh đều giữ lại bao bì. Ban đầu, các con tôi cứ quên vứt vào sọt rác. Tối 9 giờ, trước khi đi vứt rác, tôi kiểm tra lại nếu có vỏ gói mì thì gọi các con xuống đem đi rửa sạch, phơi khô và cất lại. Bạn sẽ ngạc nhiên tại sao gia đình tôi làm vậy?
Túi xách, mũ xinh xắn được làm từ vỏ gói mì tôm. Ảnh: MAI HOA
Đó là tình cờ tôi đọc được trên mạng xã hội về việc các cô giáo Trường mầm non Quy Nhơn kêu gọi bạn bè thu gom vỏ gói mì tôm, từ đó “sáng chế” ra những chiếc túi xách xinh xắn. Mục đích của cô là kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế thải rác nhựa, nhất là bao bì nhựa sử dụng một lần.
Cũng góp phần bảo vệ môi trường, chủ cửa hàng rau sạch Yuuki farm (TP Quy Nhơn) bán túi lác đựng rau giá 60.000 đồng/chiếc. Mỗi lần đến cửa hàng, khách đem theo túi lác đựng rau sẽ được giảm giá 10%, nhưng rất ít người thực hiện. Được biết, cũng phần nào xuất phát từ yêu cầu của khách hàng, siêu thị Big C Quy Nhơn có sự thay đổi bằng cách dùng bao bì tự hủy đựng hàng cho khách.
Bì nhựa, hộp xốp, hộp nhựa... dùng một lần hiện được sử dụng phổ biến từ quán ăn, quầy tạp hóa, sạp hàng ở chợ đến nhà hàng, khách sạn, siêu thị... Bên cạnh rất nhiều chương trình tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi thói quen và hành vi xả rác nhựa ra môi trường, cần có hoạt động cụ thể “làm gương” và duy trì lâu dài, từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt hằng ngày. Như, không sử dụng nước đóng chai nhựa cho mỗi người trong các cuộc họp, hội nghị ở các cơ quan, DN, mà dùng chung 1 bình, ca thủy tinh để rót vào ly cho mỗi người. Tương tự, cần khuyến khích, ủng hộ các sản phẩm bằng mo cau, tre thay thế đồ nhựa của các DN trong tỉnh như Công ty TNHH EQUANA Việt Nam, E-Green.
CÔNG HIẾU