KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC TẠI PHẾ TÍCH THÁP CHÂU THÀNH:
Lần đầu tiên phát hiện hố thờ và đá thiêng
Phế tích tháp Châu Thành nằm trên một gò đất cao ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Cuộc khai quật khảo cổ học do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa tiến hành xong, đã thu được kết quả bất ngờ, phát hiện mới rất giá trị trong công tác nghiên cứu văn hóa Champa tại Bình Ðịnh.
Khai quật phế tích tháp Châu Thành ở khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Ảnh: ĐẶNG VĂN ĐỆ
Phế tích tháp Châu Thành được nhà nghiên cứu người Pháp Henri Parmentier nhắc đến chỉ vài dòng ngắn ngủi trong công trình “Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại Trung Kỳ” vào năm 1909. Năm 1988, tại phế tích này, người dân đã phát hiện một bức phù điêu bằng đá silic hạt mịn điêu khắc nội dung thể hiện hình ảnh nữ thần Sarasvati (niên đại thế kỷ XII, cao 80 cm, rộng 60 cm, dày 26 cm), hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và đang đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Dự buổi báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Châu Thành, tôi rất bất ngờ về những gì phát hiện được để xác định rõ ràng giai đoạn sớm của văn hóa Champa ở Bình Ðịnh. Lần đầu tiên có cơ sở giúp các nhà khảo cổ, nghiên cứu tiếp cận để tìm sự liên kết giữa giai đoạn sớm và giai đoạn muộn của văn hóa Champa ở Bình Ðịnh. Về giả thiết công trình ở nơi đây vào thế kỷ IV - V hay xê dịch gì đó thì cần nghiên cứu thêm, cần tiếp tục khai quật diện rộng hơn bởi phế tích nằm trên khu gò đất có diện tích gần 3.000m2 mà chỉ mới khai quật trên tổng diện tích chưa đến 200 m2...”
Nhà nghiên cứu NGUYỄN THANH QUANG
Cuộc khai quật khảo cổ học phế tích tháp Châu Thành trong gần hai tháng qua, phát hiện 4 lớp kiến trúc được nhận định ban đầu là của 4 thời kỳ khác nhau căn cứ vào kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng và những hiện vật tìm được. Trong đó, 3 lớp kiến trúc dưới thuộc văn hóa Champa, lớp kiến trúc trên cùng được nhận định là những gì còn lại của công trình ở khu vực được chọn làm trụ sở của phủ thành Quy Nhơn (xây dựng vào năm 1744 thời kỳ chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong).
Phát hiện nổi bật là lớp kiến trúc mặt bằng hoàn chỉnh hình chữ nhật (kích thước 4,8 m x 4,3m) hướng Bắc - Nam, được xây trên nền đá vụn đầm lèn chặt, ở 4 mặt đều còn lại một số nền gạch lớp gạch. Trong đó, mặt phía Đông có nền móng được xây theo kiểu giật cấp với 4 bậc, mảng tường phía Nam của mặt Đông vẫn còn khá nguyên vẹn với 19 lớp gạch cao… Cửa ra vào của kiến trúc có độ rộng 2,4 m, được xây giật cấp lên trên với 3 bậc. Đặc biệt, chính giữa trong lòng kiến trúc này là tảng đá gốc nguyên khối (cao 1,7 m, rộng 1,25 m) đặt trong một hố có các lớp gạch bao quanh. Qua nghiên cứu nhận định ban đầu, đây là hố thờ và đá thiêng thể hiện tín ngưỡng thờ đá của cư dân Champa cổ khi Ấn Độ giáo gia nhập vào đời sống tinh thần của cư dân vùng đất. Do đó, nguyên thủy công trình kiến trúc này rất có thể là đền thờ.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Lần đầu tiên trong khai quật khảo cổ học các di chỉ thuộc văn hóa Champa, chúng ta phát hiện được cả hố thờ và đá thiêng. Ngay tại Bình Định, tại các cuộc khai quật ở di tích thành Cha (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), phế tích tháp Xuân Mỹ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) ta cũng phát hiện hố thờ nhưng chỉ là hố cát nhỏ và không phát hiện vật thờ. Khi biết được thông tin về hố thờ và đá thiêng, TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam người chủ trì đợt khai quật phế tích tháp Châu Thành và một số chuyên gia giàu kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa Champa đã đến tận hố khai quật xem trực tiếp và chia sẻ nhận định”.
Cuộc khai quật phát hiện số lượng lớn hiện vật có niên đại, loại hình, chất liệu khác nhau, đặc biệt là đầu ngói ống trang trí mặt hề, hoa sen và số lượng lớn ngói âm dương; nhiều gốm vỡ có trang trí hoa văn in ô vuông kiểu Hán hoặc hoa văn trang trí kiểu hồi văn. Những hiện vật dạng này đã tìm thấy ở các cuộc khai quật tại thành Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thành Hồ (Phú Yên), thành Cha (Bình Định). Từ đó, phế tích tháp Châu Thành được nhận định có kiến trúc niên đại sớm vào khoảng thế kỷ IV - V.
Trước đây khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến văn hóa Champa ở khu vực ngày nay thuộc địa bản tỉnh Bình Định người ta gần như mặc định với thời kỳ Vijaya, còn giai đoạn sớm hơn - trước thế kỷ X - vùng đất này như thế nào gần như trống hẳn. Chính vì vậy có thể nói những phát hiện kể trên giúp phát lộ nhiều thông tin quan trọng, giải đáp được nhiều bí mật văn hóa thú vị. TS Lê Đình Phụng nhận định: “Việc khai quật phế tích tháp Châu Thành và trước đây là ở thành Cha, đã góp phần rất quan trọng để có thể nghiên cứu xuyên suốt, liền mạch từ văn hóa Sa Huỳnh lên đến văn hóa Champa sớm, các thời kỳ phát triển tiếp theo của văn hóa Champa ở Bình Định và đến văn hóa Việt sau này. Phế tích tháp Châu Thành có tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, trải qua thay đổi về kiến trúc và tính chất có thể kéo dài từ thế kỷ IV-V đến thế kỷ thứ XVIII. Đồng thời không gian mở hội nhập các yếu tố văn hóa khác nhau ở vùng đất này có từ rất sớm…”.
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm, trong kế hoạch hoạt động Bảo tàng tỉnh năm 2021, sẽ đề xuất việc tổ chức khai quật lần thứ hai ở phế tích tháp Châu Thành, nhằm tạo thêm cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy, nhất là nếu sau này có tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích…
HOÀI THU