Chắt lọc tình quê
Vân Phi là một trong những gương mặt trẻ triển vọng của thơ Bình Định hiện nay. Những ai theo dõi thơ anh đều có thể nhận ra ở các sáng tác ấy những trăn trở, tìm tòi và nỗi lòng tha thiết với quê hương - cụ thể là quê hương Bình Định - đáng trân trọng. Ngày mắc cạn, tập thơ đầu tay vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, cho thấy rõ điều này.
Ấn tượng đầu tiên mà tập thơ mang đến là sức nén từ một phạm vi đề tài rộng trong một dung lượng tối giản chỉ với 42 bài thơ. Tập thơ mỏng, nhỏ nhưng mở ra cả một thế giới rộng lớn với nhiều điều bất ngờ cho người đọc. Từ tuổi thơ, quê hương, gia đình đến tình yêu, tâm tư, thế sự… đều có cả ở đây. Xuyên suốt trong hành trình ấy là một ngòi bút giàu nội lực, một giọng thơ giàu cảm xúc, suy tư và trắc ẩn. Những vần thơ về mẹ, cha, về những phận người bất hạnh, về dòng sông quê, về bản thể trong tập thơ chắc hẳn sẽ khiến người đọc phải băn khoăn, ray rứt.
Ở Ngày mắc cạn, tác giả còn dành một góc riêng trang trọng cho quê hương Bình Định của anh với một niềm thành kính thiêng liêng. Tháp Chàm, sông Côn, bến My Lăng, xóm nhà rầm Quy Nhơn… là những không gian ấn tượng trong tập thơ. Ngay ở đề tài đã cũ, Vân Phi lại làm mới bằng những vần thơ giàu chất suy nghiệm. Một ví dụ: Ngày tôi về quặn thắt/ chẳng soi được bóng mình trên hố cát hoắm sâu/ chẳng soi được bóng mình nữa đâu/ dòng sông lở lói (Dòng sông mặc niệm).
Với Ngày mắc cạn, người đọc còn thấy ở thơ Vân Phi nỗ lực tìm kiếm những phương thức thể hiện mới. Lằn ranh hiện hữu, xâm nhập lẫn nhau giữa truyền thống và cách tân như là một minh chứng cho điều này. Trong tập thơ, bên cạnh các thể truyền thống (lục bát, sáu chữ) và phá cách chúng, anh viết nhiều hơn với thể tự do, thậm chí thử sức ở cả thơ văn xuôi (bài ở trọ). Giọng thơ đa dạng, thường có sự đan xen giữa các giọng tâm tình, tự kể, tự vấn, mỉa mai, trào lộng, suy tư… Ngôn ngữ thơ nhiều màu sắc, bên cạnh chất mộc mạc, tự nhiên vốn có, thơ anh còn nỗ lực trong cách dùng từ, cách kết hợp từ ngữ tạo hiệu quả diễn đạt mới lạ. Có lẽ còn hơi sớm để định hình phong cách thơ Vân Phi. Nhưng những cách diễn đạt độc đáo như dưới đây hẳn sẽ để lại những ấn tượng nhất định đối với độc giả: Bữa ấy, nắng lên đồi rất khẽ/ chồi thơm trên lóng tay gầy/ cấy vào ngọn nguồn của đất/ mẹ mong mùa an trú cỏ cây (Từ phía ấy mẹ mong…).
Trên hành trình tìm tòi, thể nghiệm, đôi chỗ thơ Vân Phi vẫn chưa thoát ra khỏi lối mòn, đôi chỗ lại rơi vào cầu kỳ. Chẳng sao cả, đây là điều thường gặp ở những người viết trẻ. Ngày mắc cạn là quả ngọt đầu mùa hứa hẹn những mùa quả chín mọng. Những thành công từ tập thơ này cho phép chúng ta tin vào những thành tựu nghệ thuật lớn hơn của thơ Vân Phi trong tương lai.
PHẠM TUẤN VŨ