NHÂN THÁNG HÀNH ÐỘNG VÌ BÌNH ÐẲNG GIỚI (15.11 - 15.12):
Hiểu đúng, đủ về bình đẳng giới
Bình đẳng giới (BĐG) không phải là “san bằng” giới tính, khuyến khích nam nỗ lực để cũng có những khả năng như nữ và ngược lại. Điều này, trong truyền thông về BĐG, nhất là trong các hoạt động phong trào ở cơ sở, còn đôi lúc chưa được nhìn nhận đúng đắn và đầy đủ, dễ gây phiến diện, giản đơn về vấn đề. Điển hình là mới đây tại một địa phương đã có phần thi vui nhộn và rất “áp lực” lên các ông chồng là “Khi đàn ông mang bầu làm việc nhà”. Mỗi năm đến Tháng hành động vì BĐG, tại các chương trình truyền thông, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật… ở hầu khắp địa phương, dễ gặp những hình thức thi như đàn ông nấu ăn, rửa chén, giặt đồ, thậm chí cắt tỉa trái cây... Tất nhiên, thông điệp các hoạt động nhằm kêu gọi nam giới chia sẻ việc nhà với phụ nữ, nhưng mặt khác cũng vô tình gieo nhận thức, suy nghĩ một chiều, cạn cợt về BĐG.
Khái niệm BĐG được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới, bao hàm các khác biệt tự nhiên giữa họ đều được tôn trọng. Tạo hóa nhiệm mầu đã tạo ra sự khác biệt, phong phú giữa nam và nữ, với những điểm mạnh, điểm yếu riêng ở mỗi giới. Vậy nên, đặt ra vấn đề khác biệt về giới tính trong BĐG để khẳng định rằng: Sẽ không thể có được BĐG nếu bỏ qua, “cào bằng”, thiếu tôn trọng đặc điểm giới. Và nếu thúc đẩy BĐG theo cách phiến diện này có nghĩa là đang vô tình tạo ra bất BĐG, đi ngược nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá thể.
Trong tháng 11.2020, một bộ sách thú vị về giới được phát hành, có thể làm thay đổi tích cực suy nghĩ phổ biến, định kiến vốn có về giới, về quyền của mỗi người trong cuộc sống. Tên bộ sách - “Tuyên bố về quyền” gồm “combo” 4 cuốn: Tuyên bố quyền của bố, Tuyên bố quyền của mẹ, Tuyên bố quyền của con trai, Tuyên bố quyền của con gái (NXB Kim Đồng, dịch từ Pháp) là lời nhắc nhở rằng việc tôn trọng sự khác biệt, bình đẳng giữa tất cả mọi người là vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại.
Bố, giống như mẹ, có quyền không hoàn hảo, cũng lầm bầm khi con “tè dầm”, quyền làm “gà trống nuôi con”, quyền không thích thể thao, chẳng biết sửa chữa điện nước và chẳng cần cơ bắp…
Mẹ, cũng như bố, có quyền không thuộc tuýp phụ nữ mẫu mực, có thể thoải mái ngồi lâu đọc sách trong nhà vệ sinh, không e ngại đi bước nữa, có thể không giỏi nấu ăn, cắm hoa xấu nhưng biết sửa xe đạp nếu hứng thú tìm hiểu…
Con trai, giống như con gái, cũng có quyền khóc nhè, thích màu hồng, thoát khỏi gánh nặng trở thành “siêu anh hùng”… Con gái, hoàn toàn có thể như con trai nếu muốn, có quyền được ăn mặc khỏe khoắn, năng động, chơi đùa nghịch ngợm, chọn những môn thể thao, nghề nghiệp “nam tính” yêu thích, không bị ràng buộc bởi “mác công chúa”…
Trong sách, vấn đề định kiến giới, khuôn mẫu giới - 1 trong những nguyên nhân của bất BĐG - được thể hiện nhẹ nhàng, sinh động, dí dỏm, hấp dẫn. Đây là bộ sách thú vị, nên có trên giá sách gia đình, thông điệp cho mỗi thành viên về quyền được là chính mình, được lắng nghe, chia sẻ, yêu thương. Với đội ngũ tham gia truyền thông về BĐG ở cơ sở, sách cũng là một kênh tham khảo để tuyên truyền không vô tình rơi vào những định kiến sáo mòn.
KHẢI THƯ