Người khiếm thị “tốt bụng”
Anh Bùi Minh Ngọc (40 tuổi) sinh ra và lớn lên tại xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn). Năm 12 tuổi, đang học dở dang lớp 5, căn bệnh thiên đầu thống làm đôi mắt anh mờ dần rồi không nhìn thấy được gì nữa. Vượt qua nghịch cảnh số phận, anh không ngừng nỗ lực vươn lên, hòa nhập với cuộc sống và có ích cho xã hội.
Ông Văn Ngọc Hải (phải) thi thoảng có thời gian lại từ xã Nhơn Khánh xuống phường Bình Định gặp anh Ngọc chuyện trò. Ông bảo, Ngọc không sáng mắt mà còn hơn tôi, chuyện gì cũng biết, cũng làm tốt cả.
Đến cơ sở xoa bóp, bấm huyệt người khiếm thị Ngọc Diệu (phường Bình Định, TX An Nhơn) gặp “ông chủ” Bùi Minh Ngọc đúng vào Ngày Quốc tế người khuyết tật 3.12, nghe anh “khoe”: Cơ sở Ngọc Diệu là nhà thuê, hai vợ chồng em đã mua được căn nhà riêng hơn hai trăm mét vuông ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu rồi đôi ba tuần vợ chồng và con trai học lớp 2 về nhà nghỉ ngơi. Nhấp ngụm trà nóng, anh kể chuyện xưa, vào quãng năm 2013, anh lập gia đình rồi có con ngay. Để có thể ở gần chăm vợ, chăm con anh mở cơ sở Ngọc Diệu năm 2015, bù lỗ mấy năm đầu tưởng sạt nghiệp. Rồi lúc con đi học, vợ chồng thay nhau cõng con đến trường để tiết kiệm tiền xe ôm và đảm bảo con an toàn. Dần dà, cơ sở thu hút được nhiều khách, thu đủ chi và có thêm dư dả. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh đúc kết: Bên cạnh vợ chồng tôi luôn có người thân trong gia đình, người quen biết, người tốt trong xã hội đồng hành, hỗ trợ, nhưng cái chính là bản thân mình nỗ lực. Cho dù có được hỗ trợ tiền tỷ mà mình không nỗ lực thì cũng bằng không. Vậy nên, hai vợ chồng tôi luôn nỗ lực hết sức, chừng nào làm hết khả năng có thể của mình thì mới nghĩ đến những sự trợ giúp.
Ngồi bên cạnh anh Ngọc, ông Văn Ngọc Hải cứ liên tục gật gù, tỏ ra đồng tình. Ông Hải ở sát nhà ba mẹ anh Ngọc tại thôn Hiếu An (xã Nhơn Khánh) nên thân thiết với anh Ngọc từ bé đến giờ. Ông bảo, Ngọc “tuyệt vời lắm”, sống chan hòa, nhân ái, coi trọng tình làng nghĩa xóm với tất cả mọi người, đặc biệt rất hiếu thảo với mẹ cha. Bản thân mù lòa vậy nhưng nghe ở quê có ai khó khăn là anh đi vận động để giúp đỡ, như trường hợp cô học sinh mồ côi cha mẹ tên Quỳnh, đầu năm học này, đã được anh Ngọc kêu gọi nhà hảo tâm tặng xe đạp đi học.
Theo ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, anh Bùi Minh Ngọc là người luôn biết sống vì người khác. Hằng ngày, anh Ngọc cõng con đến trường để tiết kiệm tiền xe ôm, nhưng lại sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để đi xe ôm đến vận động nhà tài trợ hoặc tham gia cùng nhà hảo tâm trao quà cho người mù khó khăn. Tính từ tết Nguyên đán đến nay, anh đã vận động được hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ người mù nghèo, trong đó đáng chú ý là hôm mùng 8 Tết, thông qua người quen ở TP Hồ Chí Minh, anh vận động được 64 triệu đồng. Ngoài tiền mặt, anh còn kêu gọi được xe đạp cho học sinh, gạo, mì tôm cho bà con dịp bùng phát dịch bệnh Covid-19. Không chỉ giúp người mù, anh Ngọc còn kêu gọi giúp người sáng mắt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nữa. Với cách sống nghĩ đến người khác cùng những việc làm đầy ý nghĩa, năm 2020, anh Ngọc đã được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định tặng giấy khen vì đã có nghị lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chuyện trò với anh Ngọc và ông Hải hồi lâu, thi thoảng, tôi thấy có một, hai em học sinh đi học về bước vào nhà chào hỏi khách rồi đi vào bên trong. Chừng hiểu sự thắc mắc của tôi, ông Hải giải thích: Đây là những đứa cháu của một số người thân quen ở quê học cấp 3 đến gửi Ngọc để đi học gần hơn. “Có một điều lạ là trong nhiều năm qua, đứa nào - dù gái hay trai, đến đây ở với vợ chồng Ngọc cũng đỗ vào cao đẳng, đại học cả. Con trai của tôi cũng vậy”, ông Hải vui vẻ nói.
Anh Ngọc thấy vậy xua tay: Ảnh quý mến tôi nên nói vậy thôi, không có gì to tát đâu. Tôi chỉ hay nói chuyện với các em, bảo rằng thân tôi mù lòa, không làm được nhiều việc như bản thân mong muốn. Các em sáng mắt, tương lai phải xán lạn hơn tôi, không lẽ lại để con em mình thua kém tôi sao. Đoạn, anh tỏ ra trầm ngâm chia sẻ: Tôi đang có một mong muốn, chị à. Đó là tìm một vài người mù có nguyện vọng học nghề này. Tôi sẽ cho họ ăn uống, dạy nghề, truyền nghề cho họ luôn. Sau đó, nếu họ muốn lấy giấy chứng nhận, chứng chỉ gì thì tôi sẽ phối hợp với Hội Người mù tỉnh gửi họ đi. Khi có chứng chỉ hành nghề, họ muốn làm cho tôi thì làm, không thì mở cơ sở riêng để có thể tự kiếm sống. Nhưng tìm hoài mấy năm qua mà chưa ra…
NGỌC TÚ