Ngày mới trên đất Mỹ Phong
Phát huy truyền thống xã Anh hùng, từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) đã nỗ lực vượt khó, từng bước tạo nên những đổi thay tích cực trên vùng đất nghèo này.
Nông dân Mỹ Phong xen canh đậu phụng và mì đạt hiệu quả cao.
Hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề đã đành, nhưng cái nghèo cái khó cứ đeo bám người dân Mỹ Phong bởi điều kiện đất đai gò đồi cằn cỗi, bạc màu; phèn chua vùng thấp trũng. Sự chịu thương, chịu khó bám đất, bám đồng của bà con nơi đây rất đáng trân trọng, song kết quả mang lại không cao, nên mãi đến hàng chục năm sau giải phóng, danh sách hộ đói nghèo ở Mỹ Phong vẫn còn dài.
Không chịu khuất phục trước khó khăn, Mỹ Phong xác định rõ thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp từ hơn 1.100 ha lúa, 1.169 ha cây trồng cạn các loại và gần 400 ha đất rừng, để thoát nghèo và làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng. Trên cơ sở tận dụng nước tưới từ hồ Hốc Sình và hồ Suối Sổ, đưa diện tích lúa từ 1 vụ/năm lên 2 vụ, 3 vụ ăn chắc, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ cấu gần 100% giống cấp 1, đã góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa. Diện tích cây trồng cạn cũng được mở rộng, đầu tư luân canh, xen canh, gối vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng cây đậu phụng trong năm 2012 có diện tích 373 ha, năng suất bình quân 30 tạ, là cây trồng chủ lực của địa phương. Ngoài ra, có nhiều hộ làm kinh tế trang trại, vườn đồi, trồng cây ăn quả gắn với phát triển đàn bò thịt, bò sinh sản theo mô hình kinh tế VAC, tạo được hiệu quả cao.
Mặt khác, phát huy lợi thế có QL1A chạy qua địa bàn xã, người dân Mỹ Phong đẩy mạnh dịch vụ vận tải hàng hóa, một số hộ sở hữu từ 1-3 xe tải, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, sang tận Lào, Trung Quốc. Thông qua dịch vụ vận tải đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, như lái, phụ xe, làm dịch vụ xăm lốp, sửa xe, rửa xe, nâng cao thu nhập kinh tế hộ.
Ông Hà Tuấn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, cho biết: Năm 2012, tổng giá trị sản xuất của Mỹ Phong đạt hơn 109 tỉ đồng (tăng gần 16% so với năm 2011); giá trị 1 ha canh tác đạt 88 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 24,6 triệu đồng/người/năm. Số nông hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã năm sau luôn tăng hơn năm trước; hộ nghèo giảm mạnh.
Đổi thay nhanh chóng, nhưng Mỹ Phong vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phong: Khó khăn lớn nhất là thiếu nghiêm trọng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Lượng nước của hồ Suối Sổ và hồ Hốc Sình thường ở mức thấp, hệ thống kênh tưới chưa đáp ứng yêu cầu; hàng năm, lượng nước thất thoát ước cả triệu mét khối, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.
Nước sinh hoạt trong mùa khô cũng là vấn đề bức xúc của người dân nơi đây. Trong khi đó, hệ thống cấp nước sạch Mỹ Phong đã được Nhà nước đầu tư xây dựng từ nhiều năm qua nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng lợi.
LÊ KIỂU-XUÂN LỘC