Thủ tục hành chính trên lĩnh vực TN&MT: Cắt giảm số lượng, rút ngắn thời gian giải quyết
Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực TN&MT hứa hẹn sẽ có thêm đột phá với việc cắt giảm số lượng và rút ngắn thời gian giải quyết.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Thị Thanh Hương, hiện nay, cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những công tác được ngành TN&MT rất quan tâm, chú trọng thực hiện. Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh công bố hoàn chỉnh bộ TTHC thuộc các lĩnh vực của ngành TN&MT với 134 thủ tục, trong đó có 15 thủ lục liên quan đến lĩnh vực môi trường ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, Sở trình UBND tỉnh phê duyệt 180 quy trình nội bộ thực hiện các TTHC và xây dựng quy trình điện tử trên không gian mạng của tất cả quy trình trên. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trụ sở cơ quan và các đơn vị trực thuộc Sở theo quy định.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại quầy của Sở TN&MT ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
“Riêng trong lĩnh vực môi trường, trong năm 2020, Sở TN&MT đã triển khai thử nghiệm thành công 3 TTHC theo dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ triển khai áp dụng toàn bộ các TTHC trong lĩnh vực môi trường theo dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4”, bà Hương thông tin thêm.
Theo thống kê của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, từ đầu năm 2020 đến ngày 30.11, Sở TN&MT đã tiếp nhận 11.695 hồ sơ (trong đó có 957 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 76 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích). Trong số 10.747 hồ sơ đã giải quyết, có đến 10.629 hồ sơ trước và đúng hạn, đạt tỷ lệ 98,9%.
Để nâng cao hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC thuộc lĩnh vực TN&MT, Sở TN&MT đã tổ chức hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho các đơn vị tư vấn lập hồ sơ TTHC lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường. Đại diện các đơn vị tham gia đã được các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở TN&MT và Viễn thông Bình Định hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp trên trang thông tin điện tử về dịch vụ công của tỉnh.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 đã cải cách mạnh mẽ TTHC thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 1 giấy phép môi trường, bãi bỏ các giấy phép có liên quan. Qua đó, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn đầu tư, giảm áp lực quản lý hành chính, tập trung nguồn lực cho các vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, trong đó tập trung khuyến khích tổ chức và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong nộp hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Ðồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC”.
Giám đốc Sở TN&MT LÊ VĂN TÙNG
Đáng chú ý, Luật mới thông qua đã cắt giảm hơn 40% TTHC liên quan, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN. Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay, góp phần giảm chi phí và thời gian tuân thủ của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Bình Định đang tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển KT-XH.
“Với những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thời gian qua, Sở TN&MT tin tưởng có thể triển khai đồng bộ việc cắt giảm TTHC và giảm thời gian thực hiện các TTHC về môi trường ngay khi Luật có hiệu lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh”, ông Tùng khẳng định.
Bài, ảnh: HOÀI NHÂN