Triển khai hệ thống MGH ngành hải quan:
Tăng cường “điện tử hóa” thủ tục thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Từ ngày 23.11, Tổng cục Hải quan áp dụng Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử trên toàn quốc. Sau nộp thuế điện tử, việc ngành Hải quan tiếp tục triển khai hoàn thuế điện tử đã tạo nhiều thuận lợi cho DN.
Nhiều tiện ích
Sau khi thí điểm tại Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan Bắc Ninh vào tháng 9.2020, Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử trên toàn quốc (gọi tắt là Hệ thống MGH) được đánh giá tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN lẫn ngành Hải quan. Từ kết quả tích cực ban đầu đó, từ ngày 23.11, Tổng cục Hải quan tiến hành nhân rộng trên toàn quốc.
Cán bộ hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa tại Cảng Quy Nhơn.
Đối với DN, triển khai Hệ thống MGH tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế xuất nhập khẩu như: Thời gian thông báo danh mục miễn thuế rút ngắn hơn so với thông báo bằng giấy; tăng tính chính xác khi việc thực hiện trừ lùi hàng hóa nhập khẩu miễn thuế theo danh mục miễn thuế đã được lưu trong hồ sơ hải quan; hạn chế tình trạng mất tờ khai, mất danh mục miễn thuế… Với trường hợp hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử, người nộp chỉ cần gửi công văn đề nghị hoàn thuế kèm hồ sơ điện tử tới cơ quan hải quan thông qua hệ thống. Sau khi tiếp nhận, kiểm tra, cơ quan hải quan gửi và trả kết quả hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa thông qua hệ thống một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Hệ thống MGH cũng giảm thời gian xử lý nghiệp vụ hải quan, theo hướng tự động xác định tờ khai có hàng hóa tạm nhập tái xuất, có cơ chế kiểm tra và đưa ra cảnh báo cho cán bộ hải quan đối với những tờ khai sắp hết thời gian ân hạn, hoặc quá thời gian ân hạn mà chưa làm thủ tục liên quan.
Ông Nguyễn Trung Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, cho biết: “Việc áp dụng Hệ thống MGH toàn ngành cũng nằm trong lộ trình hiện đại hóa ngành hải quan, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho DN. “Điện tử hóa” các thủ tục về thuế cũng như các thủ tục khác vừa tăng độ chính xác, minh bạch thông tin, rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu; vừa hạn chế tiếp xúc giữa DN với công chức của ngành, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, “làm khó” DN; xây dựng hình ảnh tích cực, chuyên nghiệp trong đội ngũ cán bộ ngành”.
Tích cực hỗ trợ DN
Để hỗ trợ cho DN, Cục Hải quan Bình Định thành lập tổ hỗ trợ triển khai Hệ thống MGH tại đơn vị; đồng thời, thành lập thêm 2 tổ triển khai Hệ thống MGH tại đơn vị trực thuộc gồm Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Bình Định) và Chi cục Hải quan Phú Yên. Đến nay, các chi cục Hải quan thực hiện công tác thông báo, tuyên truyền và hướng dẫn cho DN biết và phối hợp thực hiện Hệ thống MGH; niêm yết hướng dẫn các bước thực hiện tại địa điểm làm thủ tục hải quan, tuyên truyền trực tiếp cho các nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu của các DN. Đồng thời, đơn vị tuyên truyền trên website của đơn vị về Hệ thống MGH, hỗ trợ DN cài đặt và hỗ trợ trực tuyến khi DN gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ðến nay, Cục Hải quan Bình Ðịnh thu ngân sách 819 tỷ đồng, đạt 106% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính giao (770 tỷ đồng), đạt 105% chỉ tiêu phấn đấu của Tổng cục Hải quan giao (780 tỷ đồng). Trong đó, tại địa bàn tỉnh Bình Ðịnh thu được 714 tỷ đồng, đạt 99% chỉ tiêu dự toán Bộ Tài chính giao; địa bàn tỉnh Phú Yên thu được 105 tỷ đồng, đạt 191% chỉ tiêu dự toán Bộ Tài chính giao.
Ngoài ra, trong năm 2020, Cục Hải quan Bình Định triển khai tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19; đối thoại với DN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA; tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN ngành gỗ liên quan đến Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam…
Ông Nguyễn Anh Vũ, nhân viên xuất nhập khẩu của một DN gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài, cho biết: “Trong thời điểm DN ngành gỗ bị “kẹt” nguồn gỗ nguyên liệu, không thể làm thủ tục thông quan do các quy định về xuất xứ, nguồn gốc gỗ theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Hải quan Bình Định hỗ trợ kịp thời bằng việc đề xuất Tổng cục Hải quan có giải pháp trước mắt, tạo điều kiện thông quan. Ngay trong ngày 6.11, khi Tổng cục Hải quan có hướng dẫn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn thông báo, ưu tiên tập trung giải quyết thủ tục thông quan cho các DN; giảm thiệt hại cho DN rất nhiều”.
Bài, ảnh: THU DỊU