BỘ TƯ LỆNH VÙNG 4 HẢI QUÂN:
Ðồng hành cùng ngư dân vươn khơi giữ biển
Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được phân công, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân còn có nhiệm vụ bảo vệ, hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên khu vực Biển Ðông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa - một trong những ngư trường truyền thống của ngư dân Bình Ðịnh.
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp Sở NN&PTNT Bình Định khám bệnh miễn phí, tặng cờ Tổ quốc, áo phao để động viên ngư dân Bình Định vững tin giữ biển.
Ngư dân vững tin ra khơi
Những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân vươn khơi giữ biển. Trong chuyến công tác về Bình Định vừa rồi, trò chuyện với chúng tôi, đại tá Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định việc hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi giữ biển vừa là nhiệm vụ quan trọng của người lính hải quân, vừa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, gắn bó với nhân dân như những người con, người em trong gia đình. Mỗi con tàu, mỗi ngư dân cần hỗ trợ khi bị nạn là chúng tôi sẵn sàng lên đường, không ngại mưa bão, sóng to gió lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển”.
Với sự hỗ trợ của Vùng 4 Hải quân, ngư dân Bình Định như tiếp thêm niềm tin để vươn khơi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngư dân Nguyễn Thanh Tùng, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 99399-TS, bộc bạch: “Không những bảo vệ ngư dân, lực lượng hải quân Vùng 4 thường xuyên giúp đỡ ngư dân trong lúc tàu bị sự cố trên biển hay mưa bão. Sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư, hải quân đã tiếp thêm niềm tin để chúng tôi vững tâm giữ biển hoạt động khai thác thủy sản xa bờ”.
Còn ngư dân Nguyễn Cúc, ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97001-TS, tâm tình: “Chúng tôi lâu nay ra khơi có nhiều lần đối mặt với hành động gây hấn của tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc nhưng chúng tôi không sợ, biển của mình thì mình làm. Chúng tôi đánh bắt xa bờ luôn có lực lượng chức năng hỗ trợ, nhất là tại ngư trường quần đảo Trường Sa có lực lượng kiểm ngư, hải quân Vùng 4 luôn hỗ trợ ngư dân”.
Tối 8.11.2020, tàu cá BĐ 91388-TS, trên tàu có 13 thuyền viên, do ngư dân Phạm Văn Tâm, ở phường Đống Đa, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, đang hoạt động tại vùng biển cách Bắc Tây Bắc đảo Trường Sa Lớn 98 hải lý thì bị hỏng hộp số, thả trôi; anh Tâm đã phát tín hiệu đề nghị cứu nạn và được tàu kiểm ngư KN 463 tiếp cận lai dắt tàu cá về âu tàu đảo Trường Sa an toàn. Anh Tâm xúc động nhớ lại: “Lúc đó khu vực tàu tôi bị nạn có gió cấp 7, sóng lớn dữ dội do bão số 12. Nhờ được lực lượng kiểm ngư lai dắt về âu tàu đảo Trường Sa. Sau đó được cán bộ, chiến sĩ hải quân chăm sóc y tế, hỗ trợ neo đậu, sửa chữa máy tàu, chúng tôi đã được an toàn. Tôi rất cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ của lực lượng kiểm ngư, hải quân đã dành cho chúng tôi”.
Đồng hành hỗ trợ ngư dân
Nhằm đồng hành cùng ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã ký kết với 5 tỉnh, gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận triển khai thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi giữ biển” nhằm bảo vệ, hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn ngư dân.
Tại Bình Định, tháng 7.2019, Sở NN&PTNT đã ký kết với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thực hiện chương trình nêu trên. Sau gần 2 năm phối hợp triển khai chương trình, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của Vùng 4 Hải quân cùng các cấp chính quyền Bình Định đã làm tốt công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về vị trí, vai trò của biển, đảo, các quy định pháp luật trong khai thác thủy hải sản trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám ngư trường khai thác thủy sản, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều tàu cá Bình Định gặp nạn trên biển đã được lực lượng hải quân Vùng 4 hỗ trợ cứu nạn, nhất là sự hỗ trợ tích cực tìm kiếm cứu nạn 2 tàu cá và 23 ngư dân Bình Định bị mất tích trong cơn bão số 9 vừa qua.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Cả tỉnh hiện có 3.180 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại các vùng biển xa trên khắp ngư trường cả nước. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến khích, vận động ngư dân đánh bắt xa bờ thành lập 723 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với 2.878 tàu cá tham gia và 1 nghiệp đoàn nghề cá tại phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) với 141 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia, nhằm hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm động viên, tiếp thêm tinh thần cho ngư dân trong tỉnh vươn khơi giữ biển đúng pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển”.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động thiết thực khác được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức, như: Khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ phương tiện cứu sinh, tặng cờ Tổ quốc, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, sửa chữa máy tàu, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu khi cần thiết đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của lực lượng hải quân và tạo niềm tin cho ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ, trong đó có ngư dân Bình Định.
Đại tá Nguyễn Đình Hùng cho hay: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng hải quân Vùng 4 luôn đồng hành cùng ngư dân vươn khơi giữ biển, trở thành điểm tựa, niềm tin vững chắc cho ngư dân khai thác thủy sản xa bờ đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại quần đảo Trường Sa có các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các âu tàu, làng chài… luôn sẵn sàng giúp đỡ ngư dân trú tránh bão, cung cấp lương thực, nhiên liệu, nước ngọt, chăm sóc y tế để bà con yên tâm hoạt động khai thác thủy sản xa bờ”.
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN