Rừng phòng hộ Vân Canh tiếp tục bị xâm hại
Báo Bình Định ra ngày 17.9.2020, có bài “Rừng phòng hộ Vân Canh bị xâm hại” phản ánh: Hằng ngày có vài chục người dân địa phương một số xã của huyện Tây Sơn vào khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa xã Canh Liên (huyện Vân Canh) và xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) để khai thác lâm sản trái phép, nhưng lực lượng chức năng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Nhiều cây gỗ có kích thước lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc (ảnh chụp ngày 3.12.2020).
Sau khi báo đăng bài, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện Vân Canh, Tây Sơn và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin Báo Bình Định đã phản ánh; khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có); trả lời cho Báo Bình Định; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước ngày 30.10.2020.
Ngày 29.10.2020, Sở NN&PTNT có báo cáo gửi đến Báo Bình Định và khẳng định: Sau khi báo đăng, Sở đã thành lập đoàn công tác đến vị trí tập kết gỗ mà báo phản ánh nhưng không phát hiện rừng bị xâm hại, đồng thời không phát hiện dấu vết lâm tặc vận chuyển, tập kết, cất giấu gỗ hoặc vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (?)
Những phách gỗ có bản lớn, chiều dài từ 4 - 5 m được lâm tặc tập kết tại dốc Cam Định chuẩn bị chở xuống núi (ảnh chụp ngày 26.8.2020).
Để chứng minh báo phản ánh đúng sự thật, ngày 3.12.2020, phóng viên Báo Bình Định đã trở lại hiện trường khu vực rừng bị xâm hại. Từ làng Cam (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), chúng tôi băng theo con đường độc đạo, vượt qua 4 con suối mới đến được bìa rừng. Tại đây, chứng kiến rất nhiều xe của lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng được cất giấu cẩn thận trong bụi rậm. Sau khi ghi lại hình ảnh này, chúng tôi tiếp tục vượt qua một con dốc cao dựng đứng mới đến được khu vực bằng phẳng có tục danh là dốc Cam Định (xã Canh Liên, huyện Vân Canh). Từ đây, đi bộ khoảng 5 - 6 km mới đến khu vực mà người dân địa phương gọi là Khẩu Cây Cam cũng thuộc xã Canh Liên, lần theo đường mòn ở giữa là sông, 2 bên là rừng khoảng 1 tiếng đồng hồ là đến khoảnh rừng (tiểu khu 327 và 324 - PV) mà lâm tặc chặt phá. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ có kích thước lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, trong đó có nhiều cây đường kính từ 30 - 50 cm, thậm chí có nhiều cây đường kính gần 1 m và dấu cưa còn rất mới. Chúng tôi đã ghi lại toàn bộ hình ảnh phá rừng tại đây trước khi quay trở ra.
Gỗ khai thác trái phép trên rừng Vân Canh, được lâm tặc vận chuyển xuống địa bàn xã Tây Xuân và bị kiểm lâm địa bàn chốt làng Cam truy bắt, tập kết tại trạm (ảnh chụp ngày 3.12.2020).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ được khai thác trái phép tại các tiểu khu 327 và 324 đều được lâm tặc vận chuyển theo đường bộ và đường sông về hướng Tây Sơn. Hướng đường bộ là lâm tặc dùng xe máy độ chế vận chuyển qua làng Cam (xã Tây Xuân) và hướng đường sông bằng phương thức kết bè, thả về hướng Hầm Hô (xã Tây Phú).
Để qua mặt chốt kiểm lâm địa bàn huyện Tây Sơn, lâm tặc mở một con đường cách chốt tại làng Cam khoảng 150 m về hướng Nam, băng qua con suối nhỏ để tránh sự kiểm soát, truy bắt. Đồng thời, để vận chuyển gỗ trót lọt, nhóm lâm tặc thường cho người “thám thính” xem lực lượng chức năng có tuần tra, kiểm soát hay không và thông báo qua điện thoại di động, sau đó mới di chuyển lần lượt theo nhóm từ 3 đến 5 người bằng xe máy độ chế.
Hàng ngày có đến hàng chục người dân các xã của huyện Tây Sơn được chia thành nhiều nhóm vào rừng khai thác gỗ (ảnh chụp ngày 3.12.2020).
Để có thêm chứng cứ việc phá rừng phòng hộ và vận chuyển gỗ qua địa bàn huyện Tây Sơn, chúng tôi gặp thêm một số người dân ở làng Cam, xã Tây Xuân, tất cả họ đều khẳng định: Mỗi ngày có rất nhiều thanh niên vào rừng cưa gỗ, vận chuyển gỗ thuê cho các chủ gỗ. Người dân cũng thường xuyên chứng kiến, vào ban đêm, nhất là tầm 4 - 5 giờ sáng, lâm tặc chở gỗ phóng rất nhanh qua làng, bất chấp nguy hiểm cho người đi đường nên ai cũng bức xúc.
Rõ ràng, rừng phòng hộ Vân Canh vẫn tiếp tục bị xâm hại.
Bài, ảnh: VĂN LƯU