Hỗ trợ, tạo điều kiện đóng góp cho nghệ nhân
Những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn tỉnh có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm hỗ trợ để họ tiếp tục cống hiến, trao truyền những vốn quý đang nắm giữ.
Nghệ nhân Ưu tú Kim Hạnh trong một vở diễn của đoàn tuồng Trần Quang Diệu.
Đến nay, qua hai đợt phong tặng, tỉnh Bình Định hiện có 19 Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), 4 Nghệ nhân Nhân dân (NNND) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đợt phong tặng lần III - 2021, tỉnh đang đề nghị Trung ương xem xét phong tặng 4 NNND, 22 NNƯT.
Phần lớn các NNND, NNƯT của tỉnh Bình Định đều hoạt ở lĩnh vực nghệ thuật trình diễn và hiện nghệ nhân nào cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn. NNƯT Hà Thị Hạnh (nghệ danh Kim Hạnh, đang được đề nghị phong tặng NNND), đoàn tuồng Trần Quang Diệu, chia sẻ: “Tuồng không chuyên không sống bằng nguồn thu biểu diễn được, chuyện này ai cũng biết. Trước giờ chúng tôi vẫn tự thân vận động, không ngừng nỗ lực, nhờ khán giả ủng hộ nên tồn tại được và vươn lên. Nhưng hai năm gần đây, càng khó khăn hơn. Để nghệ thuật truyền thống không bị mai một, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện, hỗ trợ phần nào đó để chúng tôi có thể an tâm hoạt động !”.
Với di sản bài chòi và dân ca, trong số 2 NNND, cụ Lê Thị Đào năm nay 95 tuổi, đã bị lẫn, trách nhiệm với di sản nặng hơn với người còn lại là bà Nguyễn Thị Đức (nghệ danh Minh Đức, 70 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát). Dù đã được Nhà nước hỗ trợ 850 nghìn đồng/tháng và cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định, nhưng NNND Minh Đức vẫn đang hết sức chật vật.
NNND Minh Đức tâm sự: “Tôi từng này tuổi rồi, vẫn phải tự kiếm sống và nuôi mẹ già hơn 90 tuổi. Đó là công chuyện của riêng cá nhân tôi, nhưng ước gì tôi thong thả hơn để được tham gia biểu diễn thật nhiều, có thêm thời gian truyền dạy cho các diễn viên trẻ đặng bảo tồn và phát huy di sản của dân tộc mình. Ước muốn là vậy nhưng cuộc sống khó khăn quá, thành ra co đầu này lại hụt đầu kia. Các nghệ nhân cao tuổi chúng tôi như ngọn đèn dầu cạn dần, tranh thủ làm được gì càng nhiều càng tốt trong quãng đời còn lại, nhưng có điều kiện để cống hiến như thế nào còn tùy thuộc vào sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương…”.
Trong lực lượng nghệ nhân cống hiến cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh, có 2 NNND (1 người đã mất) và 3 NNƯT (1 người đã cao tuổi, sức khỏe và trí nhớ giảm sút hầu như không còn khả năng cống hiến) đều ở hai lĩnh vực nghệ thuật trình diễn và ngữ văn dân gian của đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh. NNƯT Yanh Dang cho biết: “Tôi còn nhiều tư liệu nghiên cứu về văn hóa truyền thống của đồng bào Bana nhưng chưa có điều kiện in thành sách để tặng cho các trường dân tộc nội trú, các đơn vị, địa phương có liên quan”. Còn NNND Đinh Chương, NNƯT Đinh Y Băng cũng đang nắm giữ nhiều kiến thức, kỹ năng trình diễn âm nhạc truyền thống của người Bana, nên các đơn vị liên quan cần quan tâm, chủ động hơn trong việc tổ chức nhiều lớp truyền dạy có sự tham gia của nghệ nhân, hoặc hỗ trợ khuyến khích các nghệ nhân đi đến nhiều địa phương để truyền dạy…
Bài, ảnh: HOÀI THU