Kỳ vọng vaccine phòng Covid-19 trị được ung thư
Vaccine phòng Covid-19 không chỉ là bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch mà còn được hy vọng một ngày nào đó có thể đánh bại các căn bệnh khác như ung thư, tim mạch...
Việc điều chế vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech sử dụng vật liệu di truyền được gọi là RNA. Theo cơ chế biến đổi các tế bào, khi có RNA cơ thể con người có thể trở thành “nhà máy” sản xuất vaccine. Phương pháp này chưa bao giờ được sử dụng, ngoài các thí nghiệm lâm sàng nhưng đã tỏ ra hiệu quả đối với virus Sars-CoV-2 khiến các nhà khoa học phải sửng sốt.
Công nghệ này hướng dẫn các tế bào tạo ra các loại protein cần thiết, biến chúng thành các dây chuyền sản xuất vaccine cực nhỏ. Một nhược điểm lớn, RNA rất mỏng manh và phải đến được các tế bào trước khi cơ thể phá vỡ nó. Trong vaccine phòng Covid-19, RNA được chuyển thành mRNA bằng cách phủ các hạt nano béo. Vaccine khi được tiêm vào cơ thể thúc đẩy các tế bào khỏe mạnh sản xuất các protein kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Dự báo rằng hầu như tất cả các vaccine phòng bệnh truyền nhiễm sẽ sử dụng công nghệ này trong một hoặc hai thập niên nữa, vì nhanh và rẻ hơn nhiều. Thậm chí, các công ty chuyên về mRNA như Moderna, BioNTech, Translate Bio Inc. và những công ty khác đang nghiên cứu khai thác công nghệ mRNA để điều trị suy tim, ung thư và HIV.
Trước mắt, mRNA có thể dùng để tạo vaccine tốt hơn cho bệnh cúm mùa. Roche, một trong những nhà sản xuất thuốc điều trị ung thư lớn nhất thế giới, đang hợp tác với BioNTech để phát triển vaccine ngừa ung thư được cá nhân hóa dựa trên mRNA. Tuy nhiên, tác động của mRNA với bệnh ung thư cần thêm thời gian.
Theo GIA BẢO (SGGP)