Trẻ em bị thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng gấp 10 lần
Trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng lên gấp 10 lần từ năm 1976 đến nay. Riêng TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân, béo phì.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị khoa học An toàn thực phẩm và an ninh lương thực do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 15.12.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó chủ tịch hội dinh dưỡng Việt Nam, báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: THU HIẾN
Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam - cho biết Việt Nam đang nằm trong giai đoạn gánh nặng kép về dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 77% ca tử vong hiện nay.
Theo thống kê, bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang tăng lên gấp 2-4 lần, trong đó 4 bệnh phổ biến là tim mạch, ung thư, bệnh về hô hấp và tiểu đường.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, mỗi năm có khoảng 75.000 ca ung thư tử vong. Điều đáng nói là các bệnh không lây nhiễm hiện nay có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân là do sự phát triển về kinh tế, đa dạng của thực phẩm, đậm độ năng lượng, thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu.
Trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng lên gấp 10 lần từ năm 1976 đến nay, trong khi 23% trẻ em tại Việt Nam bị thấp còi, 12% bị nhẹ cân. Theo một nghiên cứu duy nhất của Hội dinh dưỡng Việt Nam, TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân và béo phì. Trẻ em tại thành thị mắc bệnh béo phì nhiều hơn so với nông thôn.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia ăn đường gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có tỉ lệ gia tăng đái tháo đường đường nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, bệnh lý không lây nhiễm gia tăng và trẻ hóa sẽ là gánh nặng y tế, kinh tế - xã hội, và cách ngăn chặn bệnh hữu hiệu nhất là dự phòng tích cực, giảm yếu tố nguy cơ.
Chúng ta nên đào tạo thêm cán bộ nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục sức khỏe và cung cấp thực phẩm thích hợp. Đồng thời tăng cường sản xuất thực phẩm lành mạnh, dán nhãn dinh dưỡng đối với những thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế sản xuất và cung cấp thực phẩm nhiều muối, đường...
Theo THU HIẾN (TTO)