Phố của hồn người gắn bó
Người ta cứ bảo Quy Nhơn đẹp vì có biển, có núi, có tháp Chàm và có… phố. Tôi gắn bó với Quy Nhơn 3 năm và phát hiện ra thành phố này đẹp vì có biển, có núi, có tháp Chàm và có phố… theo kiểu riêng của mình.
Quy Nhơn là thành phố có biển. Nói thế vẫn chưa đủ đâu. Phải nói đó là thành phố thuộc về biển, sinh ra từ biển, được biển bồi da đắp thịt mà nên. Nguyên căn thành phố này không biết là do biển lùi hay đất bồi nhưng cái doi đất chứa trong mình trầm tích văn hóa lâu đời ấy vẫn luôn có tiếng sóng rì rầm ngày đêm. Sóng vỗ bờ Ghềnh Ráng - Tiên Sa kiêu kì và bí hiểm những câu chuyện cổ tích thần kì truyền khẩu. Sóng mềm mại trầm lắng nơi cửa Thị Nại dung dưỡng mọi nẻo đường thủy sinh. Chính những câu chuyện ấy làm ta nhìn sóng, nhìn biển mà thấy chúng có hồn đến kì lạ. Biển vỗ sóng hay thổi hồn vào phố?
Quy Nhơn là thành phố thuộc về núi. Bao bọc thành phố như tòa thành là dãy núi Vũng Chua, một chiếc xương ương ngạnh gánh nỗi khí khái giữa phố chính là núi Bà Hỏa. Núi gợi cho lòng người cảm giác gần gũi với thiên nhiên, bớt chóng mặt trước guồng quay đô thị hóa. Núi ở Quy Nhơn xanh lên trong những ngày nắng và đẹp nhất trong những cơn mưa mùa dai dẳng vừa ngớt. Lúc này, lưng núi lên đến ngọn mịt mù những mây và hơi nước trắng muốt bồng bềnh, huyền ảo. Đột nhiên giữa cái bồng bềnh huyền ảo ấy, tuôn xuống những dòng thác như chỏm râu sum suê một cụ ông phúc hậu mà ngày thường khô cạn, ẩn sâu ta không nhận ra. Cứ như thể những dòng thác ấy từ cõi trời thăm thẳm dội thẳng vậy. Đột nhiên lòng ta có cái ham muốn kì lạ là leo ngược lên dòng thác ấy mà tận hưởng dòng nước nguồn trời ban.
Nhạc sĩ Văn Cao từng viết: “Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm/ quanh Quy Nhơn/ tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại”. Những câu thơ trứ danh ấy cho ta thấy hai chữ “Quy Nhơn” không chỉ đơn thuần định danh cho một đơn vị hành chính. Nó chứa trong mình cái đẹp của sự chắt chiu văn hóa truyền đời, của những câu chuyện mà nó là nhân vật trung tâm trong mỗi người. Như tháp Chàm mọc trong và bao quanh nó vậy. Quy Nhơn trong xứ tháp Chàm: tháp Đôi trầm tịch bên đường Trần Hưng Đạo, những phế tháp quanh đầm Thị Nại, những cụm tháp về phía Tuy Phước, An Nhơn… Vì thế mà Quy Nhơn vừa có vẻ yên tĩnh vừa thoáng khởi những âm ba đồng vọng bao đời.
Quy Nhơn là phố, nhưng không phải là phố của những tòa nhà vòi vĩnh thiên thanh, của những xa lộ ngợp ngụa. Quy Nhơn lành hiền lắm. Quy Nhơn là của hoa cỏ trải thảm, của những tiếng động thuộc về ban ngày và sự yên tĩnh ngự trị đêm khuya. Quy Nhơn phố một hôm nào gọi tên nỗi buồn đáng yêu thức dậy trong ta, ta lang thang nơi miền tâm tưởng rồi chợt giật mình vì một tiếng rao đêm và thốt lên: “Quy Nhơn sao mà lạ quá”. Khi bạn nghe Quy Nhơn dần thưa bước chân người là bạn biết rằng mùa xuân đang về trên phố, con người ta sau bao năm tháng gá mình vào doi đất yên bình này đã về quê sum họp. Họ để lại Quy Nhơn những cơn gió nồm thoảng hoặc hát khúc xuân ca trên tầng cao cây cối.
Và bầy chim én chao đi…
TIỂU MỤC ĐỒNG