Bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở nguy hiểm:
Tăng hỗ trợ di dời lên mức 20 triệu đồng/hộ
UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020; đồng thời phân bổ nguồn vốn hỗ trợ di dân tái định cư (TĐC) vùng sạt lở năm 2013. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hoàng Xuân Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT - thuộc Sở NN-PTNT) về vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác di dời dân tại khu TĐC xã Hoài Hương (Hoài Nhơn). Ảnh: N. HÂN
* Ông có thể cho biết kết quả thực hiện các dự án TĐC di dân vùng sạt lở nguy hiểm ở tỉnh ta trong thời gian qua?
- Trong các năm từ 2006 đến 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và tỉnh, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 dự án TĐC di dân vùng sạt lở nguy hiểm, với tổng quỹ đất ở được quy hoạch hơn 86 ha, bố trí TĐC cho 1.625 hộ dân với 6.500 nhân khẩu, gồm TĐC cho người dân vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi 1.320 hộ, vùng thường xuyên ngập lũ 305 hộ.
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) tại các khu TĐC từ năm 2006 đến 2012 là trên 64 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ gần 55 tỉ đồng, vốn địa phương trên 9,1 tỉ đồng. Đến nay, hầu hết các dự án TĐC đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng CSHT, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã di dời được hàng ngàn hộ dân đến xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống.
Trong năm 2013, Chi cục PTNT và các địa phương tiếp tục xây dựng 3 dự án TĐC chuyển tiếp; gồm dự án TĐC xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn); dự án TĐC thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước) và dự án TĐC xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ). UBND tỉnh cũng đã có chủ trương tiếp tục cho phép triển khai thực hiện dự án TĐC xã Tây Phú (Tây Sơn) với diện tích 3,7 ha; dự án TĐC Gò Núi Một, xã An Tân (An Lão) diện tích 6 ha.
* Được biết, hiện còn một số dự án TĐC thi công khá chậm, thiếu nước sạch, điện. Đồng thời, nhiều khu TĐC có cơ sở hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh, nhưng người dân vẫn không “mặn mà” di dời đến. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Việc người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng sạt lở nguy hiểm chậm di dời đến các địa điểm TĐC là do đa số bà con còn nghèo, khả năng tài chính hạn hẹp, trong khi mức hỗ trợ di dời của Nhà nước còn thấp. Trong các năm 2006-2007, mức hỗ trợ di dời chỉ có 2 triệu đồng/hộ; từ năm 2008 đến năm 2012 tuy có nâng lên mức 10 triệu đồng/hộ, nhưng vẫn không đủ vì nhiều hộ dùng số tiền này để thêm vào xây dựng nhà cửa tại nơi TĐC.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai còn chủ quan, cuộc sống, nghề nghiệp của họ đã gắn liền với nơi ở cũ từ lâu đời nên nhiều hộ chưa muốn di dời đến nơi ở mới. Một số dự án TĐC triển khai thi công chậm là do nguồn vốn bố trí hàng năm của Trung ương và tỉnh còn thiếu, công tác đền bù, giải tỏa gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc triển khai xây dựng hạ tầng không đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác di dời TĐC.
* Trước những khó khăn như vậy, Chi cục PTNT đã có những giải pháp gì để việc di dân TĐC vùng sạt lở nguy hiểm đạt kết quả tốt hơn trong năm nay?
- Xác định công tác di dời dân vùng sạt lở nguy hiểm, vùng ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong thời gian qua, Chi cục đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Sở NN-PTNT, UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT cần tăng mức hỗ trợ các đối tượng vùng thiên tai trong việc di dời TĐC. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương tăng mức hỗ trợ ngân sách hàng năm đối với các dự án TĐC có mức vốn lớn, phân bổ vốn kịp thời, thông báo sớm cho các địa phương để chủ động trình cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án thực hiện dở dang, nhằm đảm bảo di dời dân trước mùa mưa bão. Đối với các dự án di dân đã thi công hoàn chỉnh, Chi cục tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân thuộc diện di dời nhanh chóng đến các khu TĐC để xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã nâng mức hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng TĐC được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh được hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai được hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30 kg gạo/người/tháng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để công tác di dời dân đến các khu TĐC được thuận lợi hơn.
* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, ở các vùng ven biển tỉnh ta hiện còn có khá nhiều khu vực bị sạt lở nguy hiểm, bị đe dọa do sóng biển xâm thực. Chi cục đã có phương án gì để giải quyết vấn đề này?
- Để đáp ứng nhu cầu TĐC của người dân ở các vùng sạt lở nguy hiểm, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 578/QĐ-UBND phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo Quyết định được phê duyệt, giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh có 43 dự án bố trí dân cư được triển khai xây dựng, bố trí chỗ ở cho 9.520 hộ dân, với tổng vốn đầu tư gần 640 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2013-2015, tỉnh ta tiếp tục hoàn thành 3 dự án đang triển khai thực hiện gồm khu TĐC xã Nhơn Hải, khu TĐC Huỳnh Giản, khu TĐC xã Mỹ Thắng; xây dựng 20 dự án mới để di dời TĐC tại chỗ cho 2.790 hộ dân. Giai đoạn 2016-2020, xây dựng 23 dự án mới để di dời TĐC và ổn định chỗ ở cho 5.105 hộ dân. Hiện nay, Chi cục và các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương khảo sát, quy hoạch, lập dự toán đầu tư các địa điểm TĐC nhằm triển khai thực hiện khi được bố trí nguồn kinh phí trong các năm tới.
Riêng đối với công tác hỗ trợ di dời TĐC, mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định phân bổ vốn cho công tác bố trí dân cư các dự án TĐC vùng sạt lở trên địa bàn tỉnh với kinh phí 8,19 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ cho 409 hộ dân; mức hỗ trợ di dời 20 triệu đồng/hộ. So với mọi năm thì năm nay số hộ dân được hỗ trợ di dời tăng khá cao, mức hỗ trợ tăng gấp đôi nên cũng tạo sự phấn khởi trong bà con nhân dân trong việc di dời đến các địa điểm TĐC mới.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)