Khó phát triển doanh nghiệp KH&CN
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 10 DN được công nhận DN KH&CN - con số quá ít so với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là khó khăn, vướng mắc về tiếp cận chính sách hỗ trợ khiến DN không mấy “mặn mà” với DN KH&CN.
Công ty CP Gạch Tuy nen Bình Định được công nhận DN KH&CN trong năm 2020.
- Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Gạch Tuy nen Bình Định. Ảnh: HẢI YẾN
DN khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Sở KH&CN cho biết, năm 2013, Công ty CP Phân bón và Dịch vụ Tổng hợp Bình Định là DN đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận DN KH&CN. Đến nay, mới chỉ có 10 DN KH&CN. Điều này là chưa xứng tiềm năng của tỉnh với những lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, dịch vụ du lịch và các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN cao. Những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ kết quả KH&CN mang tính rủi ro; quy định phức tạp, khó tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN KH&CN chưa thực sự hấp dẫn.
Ðến nay, mới chỉ có 10 DN KH&CN. Ðiều này là chưa xứng tiềm năng của tỉnh với những lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, dịch vụ du lịch và các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN cao.
Công ty CP Gạch Tuy nen Bình Định được công nhận DN KH&CN trong năm 2020. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc công ty, cho biết: Sau khi được công nhận DN KH&CN, chúng tôi chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng do vướng mắc về thủ tục, đòi hỏi phải có tài sản để thế chấp. Chính sách hỗ trợ dành cho DN KH&CN hiện không khác gì so với chính sách dành cho DN thành lập mới khác. Cụ thể là các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuế đất; miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, và tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập DN cho 9 năm tiếp theo - những chính sách này chưa thể hiện rõ hỗ trợ tiếp theo sau khi đã được công nhận.
Tương tự, bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, cũng cho rằng cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi để DN KH&CN được hưởng chính sách hỗ trợ.
Ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), nhìn nhận: Có nhiều nguyên nhân khiến DN không “mặn mà” với DN KH&CN. Các điều kiện quy định ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi về vay vốn ngân hàng rườm rà khiến DN khó đáp ứng. DN cũng khó khăn về việc đáp ứng doanh thu sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN nên khó tiếp cận ưu đãi thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, việc thương mại hóa sản phẩm KH&CN trên thị trường chưa được thuận lợi, hiện các chính sách của Nhà nước chỉ tập trung vào việc tổ chức hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ mà chưa có hỗ trợ trực tiếp cho DN như xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Cần “gỡ khó” cho DN KH&CN
Trên cơ sở Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về DN KH&CN, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về nhiệm vụ phát triển thị trường và DN KH&CN. Sở KH&CN đã tiến hành cuộc điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng thị trường KH&CN của tỉnh, qua đó tư vấn, hướng dẫn cho các DN thực hiện xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký chứng nhận DN KH&CN. Đồng thời, công khai danh sách các DN và sản phẩm KH&CN trên website của Sở để nhiều người biết đến, kết nối DN với các sự kiện “Chợ Công nghệ và thiết bị”, hướng dẫn DN các hồ sơ, thủ tục về thẩm định công nghệ, chứng nhận chuyển giao công nghệ...
Đầu năm 2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 80/2007/NĐ-CP để “gỡ khó” cho DN KH&CN. Theo ông Huỳnh Xuân Trường, Nghị định 13 đã thể chế hóa định hướng của Quốc hội và Chính phủ coi DN KH&CN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với hàng loạt các giải pháp quan trọng như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký công nhận DN KH&CN; chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm trong đánh giá hồ sơ đăng ký, cụ thể hóa quy trình thủ tục tiếp cận chính sách ưu đãi, khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đăng ký công nhận DN KH&CN. Mặt khác, quy định rõ các ưu đãi về thuế thu nhập DN dành cho DN KH&CN; giảm điều kiện tỷ lệ doanh thu để hưởng ưu đãi thuế; bổ sung quy định về việc xác định dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cũng như thẩm quyền xác định để hỗ trợ DN có kết quả nghiên cứu mới hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, dù Nghị định 13 đã ban hành năm 2019, nhưng đến nay thông tư hướng dẫn liên quan về vấn đề này thì còn… phải chờ!
Th.S Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Trong khi chờ thông tư liên quan, mới đây, Sở KH&CN có văn bản gởi các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh để cùng phối hợp hỗ trợ cho DN KH&CN về một số vấn đề. Bên cạnh đó, để có thể phát triển DN KH&CN trong tỉnh cả về số lượng và chất lượng cần có chính sách “thương mại hóa” sản phẩm KH&CN.
HỒNG HÀ