Tâm thế cho sinh viên khởi nghiệp
Sinh viên khởi nghiệp có nhiều lợi thế. Môi trường trường học là nơi sinh viên dễ kiếm những người đồng hành trên hành trình khởi nghiệp. Ngoài ra, sinh viên khởi nghiệp không những giúp củng cố kiến thức chuyên môn mà còn góp phần tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên” do Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức.
Dẫu vậy, hoạt động khởi nghiệp nói chung, sinh viên khởi nghiệp nói riêng ở Bình Định còn mang tính phong trào, chưa có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự mang tính đột phá. Dẫn chứng rõ nhất là sau 3 năm triển khai các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, đến thời điểm này, chưa có dự án khởi nghiệp nào được đầu tư! Có nhiều nguyên nhân, mà một trong số này xuất phát từ chính các dự án khởi nghiệp của sinh viên chưa tạo được “sức hút” mạnh với nhà đầu tư.
Tiếp xúc với nhiều sinh viên, có thể nhận thấy điểm yếu chung là xem khởi nghiệp như một cái gì đó rất to tát, đòi hỏi phải có nhiều vốn và phải thành công. Nhiều sinh viên xem khởi nghiệp như một lựa chọn nghề nghiệp nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập, vì thế không cho phép thất bại. Nhưng thực tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng “màu hồng”.
Theo Th.S Lê Châu Hoài Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Giáo dục Sensecom - người gần như xuyên suốt với các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, những người dấn thân khởi nghiệp ngoài đam mê, phải tự trang bị cho mình một tâm thế khởi nghiệp. Đó là, dám hy sinh và đánh đổi, dám chấp nhận thất bại để đứng lên.
“Xác định con đường khởi nghiệp về nông nghiệp, nên ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi gần như gắn liền với phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Đôi ba lần thất bại, nhưng tôi xem đó là động lực để bước tiếp. Điều đó đã cho tôi nhiều “vốn liếng” để khởi nghiệp thành công ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường”, bạn Trần Quang Tiến (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), cựu sinh viên khoa Công nghệ Sinh học (Trường ĐH Quy Nhơn) tâm tình.
Là một trong những trường đại học đi đầu về hoạt động khởi nghiệp, trong 4 năm học vừa qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã thu hút hơn 100 ý tưởng tham gia các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên”, trong đó có nhiều ý tưởng đạt giải cao ở cấp trường, cấp tỉnh và cấp Bộ. Không chỉ vậy, Trường còn thu hút hơn 30 DN trong và ngoài tỉnh đầu tư hơn 200 triệu đồng cho các hoạt động khởi nghiệp.
Tâm huyết trong đào tạo, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp, Th.S Nguyễn Khắc Khanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên và quan hệ DN (Trường ĐH Quy Nhơn) chia sẻ: “Sinh viên có thể khởi nghiệp từ những ý tưởng nhỏ, qua quan sát hoặc xuất phát từ sở thích của bản thân. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, nhà trường đã đưa chương trình khởi nghiệp vào các học phần giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất để sinh viên thực hành, tổ chức các cuộc thi cọ xát; đồng thời kết nối với các DN để huy động nguồn lực và kinh phí hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Nhờ đó, phong trào khởi nghiệp ở trường ngày càng lan tỏa”.
KHÁNH LINH