CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT:
Ða dạng, sâu rộng, thiết thực
Năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền và Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đã triển khai nhiều biện pháp đa dạng, sâu rộng, thiết thực để phổ biến giáo dục pháp luật. Nhờ vậy, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, tìm hiểu các quy định pháp luật, nhất là những quy định mới ban hành; từ đó nâng cao kiến thức và ý thức thượng tôn pháp luật.
Cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh phát tài liệu tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Đa dạng, sâu rộng
Theo ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, thời gian qua, công tác PBGDPL đã và đang khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội. Các sở, ban, ngành, địa phương tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức PBGDPL; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, kiến thức pháp luật và ý thức thượng tôn luật pháp của cán bộ và nhân dân được nâng cao; hiệu quả thực thi pháp luật ngày càng rõ nét.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh hiện có 39 thành viên; số thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh là 308 người. Hiện trên địa bàn tỉnh có 117 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 327 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.234 tuyên truyền viên cấp xã.
Trong năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành, có hiệu lực. Các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, DN. Trong đó, trọng tâm là các lĩnh vực như cải cách hành chính; cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường; ATGT đường bộ…
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù. Điển hình, Sở NN&PTNT tổ chức 285 đợt tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, với sự tham dự của hơn 20.300 người. Tổ chức truyền thông về công tác bảo vệ san hô và chống ô nhiễm chất thải nhựa bằng hình thức sân khấu hóa tại xã Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Ban Dân tộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 8 thôn, làng thuộc các xã của huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Phù Cát. Tổ chức cuộc thi nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) và xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
TP Quy Nhơn tổ chức 50 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 6.500 lượt cán bộ, chiến sĩ, hội viên nông dân, đoàn viên thanh niên và người dân khu vực biên giới biển; 10 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 1.400 lượt người lao động trong các DN. Huyện Tuy Phước xây dựng các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho đối tượng phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình thông qua các địa chỉ tin cậy. TX Hoài Nhơn duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động 30 địa chỉ tin cậy với 281 thành viên; làm tốt công tác phối hợp tư vấn, hòa giải những vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình...
Thiết thực, hiệu quả
Thời gian qua, công tác PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn cụ thể. Trong đó, nổi bật là hình thức tuyên truyền trực tiếp; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng các hình thức như viết bài tìm hiểu; thi sân khấu hóa; thi trực tuyến; tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn đàn… thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa mang lại hiệu quả thiết thực trong PBGDPL. Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp), cho biết: “Dưới hình thức sân khấu hóa, các buổi PBGDPL kích thích sự tò mò, thu hút nhiều người dân tham gia và dễ “ngấm” hơn. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, nắm vững kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật”.
Ngoài ra, hình thức tuyên truyền pháp luật trực tiếp, “đi tận ngõ, gõ tận nhà”, cũng được nhiều cơ quan thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện. Trong đó, đáng chú ý có hoạt động TGPL lưu động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp). Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều được những người làm công tác TGPL “mang luật” đến với người dân; nhất là tại các thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển.
Ông Lê Thành Trung, Quyền Giám Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho hay: Đối với người dân ở các xã miền núi, vùng biển, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống chủ yếu do trình độ dân trí, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Hoạt động TGPL lưu động với các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật trực tiếp ở khu dân cư góp phần tích cực trong việc “gỡ” những vướng mắc; giúp hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, giảm đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Bài, ảnh: VĂN LỰC