Phê phán các quan điểm sai trái bằng luận cứ lý luận và thực tế
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, lại xuất hiện các quan điểm sai trái tấn công vào Đảng Cộng sản Việt Nam. PV đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Viết Thông (ảnh), Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, về những luận cứ phê phán, đấu tranh với các quan điểm sai trái này.
Diện mạo thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại và phát triển hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phóng viên: Việc nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng ra sao và họ đưa những quan điểm sai trái này dưới hình thức nào, thưa đồng chí?
PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG: Hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã tập trung vào chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây họ tiếp tục phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với các quan điểm như: Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của nhân dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền; độc đoán, đảng trị...
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, có một nhóm tác giả ký tên trong “Thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước”. Nội dung có đoạn viết: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm và xây dựng CNXH theo mô hình Xô Viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh”.
Đây chính là cách thức mà các cá nhân, hội nhóm có tư tưởng chống đối lợi dụng đợt sinh hoạt, góp ý cho văn kiện đại hội Đảng các cấp để thể hiện quan điểm sai trái, mục đích tạo thành diễn đàn gây chia rẽ trong xã hội.
Việc phản bác lại quan điểm sai trái này cần thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đại hội XIII của Đảng sẽ kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của 5, 10 năm tới, đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, và tầm nhìn đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước ta.
Đại hội XIII của Đảng có trách nhiệm đánh giá một cách toàn diện thành tựu phát triển của đất nước những năm qua và định hướng phát triển những năm tới. Vì vậy, chúng ta cần phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phủ nhận thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Cụ thể, chúng ta dựa vào những luận cứ phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch ra sao?
Phê phán quan điểm cho rằng một đảng cầm quyền không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, trái với nguyên tắc pháp quyền, Đảng ta đưa ra những luận cứ lý luận và thực tiễn cụ thể. Đó là dân chủ ở Việt Nam ngày càng tốt hơn. Thực tiễn dân chủ ở Việt Nam cũng thể hiện rõ về thực hành dân chủ trong Đảng, về thực hành dân chủ trong các cơ quan Nhà nước, trong MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Còn luận cứ quan điểm sai trái cho rằng đất nước rơi vào yếu thế, lạc hậu đều do sự lãnh đạo của Đảng?
Trước hết, khẳng định quan điểm của bọn họ là hoàn toàn sai lầm, dựa trên 2 luận cứ từ thực tế là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay và Đảng luôn luôn thẳng thắn nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 35 năm qua đạt được những thành tựu to lớn. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao (giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm). Quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 67/141 nền kinh tế (năm 2019). Bình quân thu nhập đầu người tăng nhanh (năm 2020 ước đạt 2.750 USD); kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2020 đạt 566 tỷ USD.
Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng đồng bộ với nhiều công trình hiện đại. Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu rộng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được quan tâm; chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, có chất lượng tốt hơn.
Theo HOÀI NAM (SGGP)