Vinh danh những tác phẩm văn nghệ dân gian tiêu biểu năm 2020
Sáng 17.12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức lễ phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian và trao giải thưởng văn nghệ dân gian năm 2020.
Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (phải) trao hai giải cao nhất cho các tác giả. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Năm nay, Hội nhận được 70 công trình dự giải (ít hơn 7 công trình so với năm 2019), trong đó lĩnh vực Ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian: 25 công trình; lĩnh vực Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian: 27 công trình; lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn dân gian: 7 công trình, lĩnh vực Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc dân gian: 6 công trình; lĩnh vực Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian: 5 công trình.
Sau thời gian thẩm định, đánh giá, Hội đồng chuyên ngành quyết định, năm nay không có giải Nhất. Ban tổ chức trao 2 giải Nhì A (trị giá 25 triệu đồng mỗi giải) cho tác phẩm: "Sự tương đồng và khác biệt trong âm nhạc dân gian ở các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào" của nhóm tác giả Lê Văn Toàn (chủ biên), Kiều Trung Sơn, Boun Theng Souksavatd, Đỗ Thị Thanh Nhàn, Hà Văn Đức, Nguyễn Minh Cường và tác phẩm "Văn hóa-nghệ thuật chùa Việt, vài nét cơ bản" của tác giả Trần Lâm Biền.
Sáu giải Nhì B (trị giá 18 triệu đồng mỗi giải) được trao cho các tác phẩm: "Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái" của tác giả Nguyễn Thị Hải Anh; "Lời nói vần Bahnar ở Kon Tum" của tác giả A Jar, Nguyễn Tiến Dũng; "Văn hóa dân gian Cơ Tu - Truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng" của tác giả Võ Văn Hòe; "Luật tục Bahnar" của Buôn Krông Tuyết Nhung; "Tượng gỗ Tây Nguyên" của Trần Thanh Phong; "Dèng, hoa văn dèng và biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi" của Nguyễn Thị Sửu.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức trao 16 giải Ba A, 19 giải Ba B, 7 giải Khuyến khích, 4 tặng phẩm.
Giáo sư, tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đánh giá so với những năm trước, năm nay có những công trình chuyên sâu về những lĩnh vực có ít chuyên gia. “Văn hóa-nghệ thuật chùa Việt, vài nét cơ bản” là một công trình như vậy, tác giả đã chỉ ra nhiều đặc điểm cụ thể của chùa Việt cổ.
“Công trình này không chỉ có giá trị về lý luận mà sẽ góp phần hạn chế tình trạng tu bổ thiếu cơ sở, thiếu hiểu biết, làm hỏng giá trị văn hóa độc đáo của chùa chiền nước ta như đang diễn ra lâu nay,” giáo sư Lê Hồng Lý nhận xét.
Vẫn theo ông Lý, năm nay cũng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc ít người, đó là tín hiệu đáng mừng.
Tại buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 14 người, trong đó có 2 nghệ nhân Hà Nội là bà Nguyễn Thị Minh Tám (sinh năm 1942, tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) trong lĩnh vực thực hành và truyền dạy đánh trống hội dân gian; bà Lê Thị Nhuệ Phát (sinh năm 1950, tại xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên) trong lĩnh vực thực hành và truyền dạy hát chèo...
Theo Minh Thu (Vietnam+)