Tăng cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới biển: Nhân lên sức mạnh
Thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã sẽ góp phần nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở khu vực biên giới biển.
Sâu sát, hiệu quả
Sau Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh lần thứ XI và đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP tỉnh đã giới thiệu với Ban Thường vụ các huyện, thành ủy ra quyết định chỉ định 19 lượt cán bộ chỉ huy đồn biên phòng (ĐBP) tham gia đảng ủy cấp xã; giới thiệu 2 đồng chí ứng cử đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đảng viên ĐBP tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, nhất là nắm và xử lý tình hình an ninh tuyến biển.
- Trong ảnh: ĐBP Cát Khánh (huyện Phù Cát) tuyên truyền, vận động ngư dân. Ảnh: CÔNG CƯỜNG
Bên cạnh đó, tính đến tháng 9.2020, đã có 39 lượt đảng viên ĐBP tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu vực của 31 xã, phường; các ĐBP đã phân công 102 lượt cán bộ, đảng viên phụ trách 576 hộ gia đình/2.370 nhân khẩu ở khu vực biên giới biển.
Theo đại tá Phan Trường Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh, việc tăng cường cán bộ chỉ huy ĐBP tham gia đảng ủy xã đã góp phần giúp đảng ủy xã và ĐBP kịp thời nắm bắt tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; chủ động trao đổi thông tin, tham mưu cho đảng ủy các xã có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gần với công tác quốc phòng, an ninh. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ĐBP tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH ở các xã vùng biển; góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới biển, nâng cao hiệu quả công tác biên phòng, xây dựng địa bàn vững mạnh về mọi mặt, nhất là về quốc phòng, an ninh.
“Đảng viên ĐBP tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn đã xác định rõ trách nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy ĐBP giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, nhất là nắm và xử lý tình hình an ninh tuyến biển, tình hình hoạt động của tôn giáo, các loại tội phạm, giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến... được quần chúng nhân dân địa phương hoan nghênh”, đại tá Phan Trường Sơn cho biết.
Tiếp thêm nguồn lực
Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 2.1.2020 của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 1.7.2020 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 4.8.2020 về thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ ĐBP tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới biển.
Trên cơ sở Kế hoạch số 79-KH/TU, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP tỉnh đã trao đổi, thống nhất với Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn, Thị ủy Hoài Nhơn và các Huyện ủy: Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước về nhu cầu, địa bàn, đối tượng, cơ cấu tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện và ban chấp hành đảng bộ cấp xã khu vực biên giới biển. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết định chỉ định 4 đồng chí là lãnh đạo các ĐBP tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát. Cùng với đó, có thêm 5 đồng chí tham gia đảng ủy cấp xã; đến nay đã có 24/33 đảng ủy xã, phường biên giới biển có thành viên là cán bộ ĐBP.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hoài Nhơn Võ Ngọc Bình, một trong những nguyên tắc đáng chú ý trong quá trình thực hiện chủ trương này là cán bộ ĐBP được chỉ định tăng thêm không tính vào số lượng ban chấp hành đảng bộ địa phương theo quy định và không chuyển sinh hoạt đảng về địa phương, vẫn là đảng viên của ĐBP.
Đại tá Phan Trường Sơn cho rằng, cán bộ ĐBP tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới biển vừa đáp ứng nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài nhằm tăng cường sự phối hợp, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương với BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới biển trong tình hình mới.
“Trong quá trình hoạt động, khi bí thư hay phó bí thư cấp ủy có vấn đề cần trao đổi thì anh là cấp ủy viên báo cáo ngay, không cần văn bản giấy tờ. Khi đi cơ sở, nói chuyện với bà con nhân dân, ngoài “vai” BĐBP, anh còn là cấp ủy viên, truyền đạt sẽ hiệu quả hơn”, đại tá Sơn nói.
Tham gia cấp ủy địa phương giúp cán bộ đồn biên phòng rèn luyện tác phong, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, trưởng thành hơn năng lực lãnh đạo đơn vị.
- Trong ảnh: Trung tá Phạm Bảo Ân (đứng), Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn chủ trì một cuộc họp tại đơn vị. Ảnh: N.V.T
Với các cán bộ ĐBP mới được chỉ định, tham gia cấp ủy địa phương đồng nghĩa sẽ “thêm việc”, nhưng ngược lại cũng có nhiều “lợi thế”. Theo Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn Phạm Bảo Ân, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Quy Nhơn là điều kiện quan trọng để anh làm tốt công tác tham mưu trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho Ban Thường vụ, Thành ủy. Trong quá trình đó, bản thân cũng nắm bắt tốt hơn tình hình khu vực biên giới biển, triển khai các chính sách cụ thể, chắc chắn.
“Bên cạnh đó, tôi cũng có điều kiện xây dựng và giữ mối đoàn kết với các lực lượng, đoàn thể ở cơ sở. Đặc biệt là rèn luyện tác phong, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, trưởng thành hơn năng lực lãnh đạo đơn vị”, trung tá Phạm Bảo Ân chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG