Các thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận
Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội.
Xét từ phương diện nào thì nhân quyền trong một xã hội vẫn luôn phải thể hiện qua những sự kiện, vấn đề, hiện tượng cụ thể của cuộc sống. Nói cách khác, nhân quyền - quyền con người không tồn tại như những khái niệm trừu tượng, không phải là những khẩu hiệu chung chung, mà có thể quan sát, khảo sát, đánh giá, định tính, định lượng,… một cách toàn diện đến từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của xã hội, con người. Từ nhận thức về nhân quyền một cách thiết thực như vậy nên Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn phấn đấu để ở Việt Nam vấn đề dân chủ, nhân quyền ngày càng hoàn thiện, phát triển, cuộc sống mọi mặt của toàn dân ngày càng được nâng cao. Nhìn từ lịch sử cách mạng, phải khẳng định rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của toàn dân. Bởi đó là bản chất, là mục tiêu nhất quán của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó cũng là nỗ lực để hiện thực hóa điều Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.518).
Trên cơ sở mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng theo nguyên tắc lấy nhân dân làm trung tâm và để phục vụ nhân dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm, phát triển quyền con người trên mọi phương diện. Sự nghiệp đổi mới với các bước đi đồng bộ trong sự kết hợp biện chứng giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đẩy mạnh đầu tư và phát triển văn hóa, giáo dục, quan hệ quốc tế,… đưa đến nhiều thành tựu về vật chất, tinh thần, đó là nguồn lực, điều kiện để chăm lo nhân quyền cho toàn dân với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thời gian qua, dù phát triển kinh tế không đạt mục tiêu như kế hoạch đặt ra do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương thì ở Việt Nam, quyền được sống, quyền ăn, mặc, ở, quyền tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tự do kinh doanh, quyền tự do ứng cử, quyền thể hiện quan điểm xã hội, quyền của mọi tầng lớp, thành phần, người dân vẫn luôn được bảo đảm. Từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, tự lực phát triển để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành một nước đang phát triển với 70% dân số có cuộc sống ổn định.
Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Đơn cử, Quốc hội khóa XIV thông qua nhiều văn bản luật mới, đồng thời sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật. Các luật này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân,… trong đó nổi lên là Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng… Các bộ luật này có vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực cụ thể của quyền con người. Đó là cơ sở bảo đảm để báo chí Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phát triển lành mạnh, phát huy tính tích cực xã hội trong sự đa dạng, phong phú, xứng đáng với vai trò kênh truyền tải hiệu quả mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong biểu dương và cổ vũ cái tích cực, lên án và phê phán cái tiêu cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trau dồi giá trị chân - thiện - mỹ trong nhân dân, đồng thời đấu tranh ngăn chặn luận điệu sai trái, thù địch… Đó là cơ sở bảo đảm bảo vệ môi trường an ninh trên in-tơ-nét, xây dựng in-tơ-nét trở thành môi trường an toàn, lành mạnh để mọi người Việt Nam giao lưu, học hỏi, trao đổi, tiếp thu tri thức, giải trí,… một cách hữu ích, có trách nhiệm. Đó là cơ sở để các năm qua, mọi người Việt Nam đều được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; công dân - tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; rất nhiều cơ sở thờ tự, nhà thờ, nhà chùa được xây mới, xây dựng lại; chức sắc, nhà tu hành, người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đã tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân; các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội; các lễ hội tôn giáo đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm; trong các năm 2008, 2014, 2019, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam làm địa điểm và đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản... Thực tế này không chỉ được nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà ngay cả nhiều tổ chức, thế lực từng có lúc chưa hiểu rõ hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam cũng phải thay đổi, thừa nhận. Sau nhiều năm sống tại Việt Nam, ông A. Sauvageot (Sa-va-gớt - cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam) đã nói: “Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc ở Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo”. Và trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; và cán bộ, cơ quan, tổ chức trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết mọi nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Từ quan niệm nhân quyền luôn thuộc về nhân dân và vì nhân dân, bên cạnh rất nhiều chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng xã hội học tập, phát triển hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, đường sá, lưới điện quốc gia trên cả nước, phát triển văn hóa nghệ thuật,… được Chính phủ triển khai rộng khắp trong nhiều năm, thì thời gian qua, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người nghèo, người yếu thế, các đối tượng chính sách... càng được tập trung đẩy mạnh. Đây là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững, là chương trình mang tầm quốc gia, thể hiện tính nhân văn của chế độ xã hội và truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc. Dù ngân sách còn nhiều khó khăn song Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước, liên tục chỉ đạo nhằm thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm ưu tiên nguồn lực hơn, đầu tư trọng tâm với mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn. Những chương trình của Nhà nước cùng sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo với các hình thức khác nhau, đã đưa tới kết quả là tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm; hơn 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 170 nghìn ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng; cùng với người dân tộc thiểu số và hộ nghèo được hưởng 100% bảo hiểm y tế (BHYT), 2.327.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT. Việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong tiếp cận các dịch vụ y tế cao, năm 2019 đã sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách tham gia BHYT, góp phần để đến tháng 6-2020, BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số…
Nỗ lực và kết quả Việt Nam đạt được với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân đã làm cho nhân quyền ở Việt Nam trở thành tài sản chung của xã hội, được Liên hợp quốc và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau ca ngợi, đánh giá rất cao. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết tâm bằng mọi biện pháp bảo vệ tính mạng con người trước đại dịch Covid-19, chính là một sự khẳng định rõ ràng về thành tựu, chủ trương nhất quán, toàn diện và đúng đắn này. Ngay cả D. Hutt (D. Hút) - cây bút vốn thiếu thiện chí với Việt Nam, cũng phải thừa nhận trên BBC: “Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm, đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu… Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 gần giống như những cái mà chính trị thật sự nên làm. Chính phủ và đảng cầm quyền, cũng như các đại biểu nhân dân, cần làm mọi điều có thể để bảo vệ công dân của mình. Và người dân, với một chính phủ được tin tưởng, có thể cảm thấy chính họ đang được bảo vệ”. Gói an sinh xã hội gần 62.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để cứu trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả “lũ chồng lũ, bão chồng bão” là nỗ lực rất lớn, kịp thời, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tác động của đại dịch Covid-19 và bão lụt, giúp mọi người được hưởng quyền sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh, và tiếp tục làm sáng tỏ tinh thần coi lợi ích nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Không có ý nghĩa nào khác, các thành tựu đó là kết quả từ nỗ lực hành động vì nhân quyền, vì con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Theo HỒNG QUANG (NDĐT)