Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
(BĐ) - Sáng 18.12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì; điểm cầu Bình Định do Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn chủ trì.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Luật Giám định tư pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10.6.2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2021, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012. Cụ thể, bổ sung 1 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 8 điều (Điều 10, Điều 20, Điều 24, Điều 25, Điều 31, Điều 32, Điều 36 và Điều 41); bổ sung 4 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 4 điểm và sửa đổi, bổ sung 9 điểm.
Một số nội dung cơ bản được Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung, gồm: phạm vi, nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp. Tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận, hồ sơ, chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý đối với công tác giám định tư pháp. Trách nhiệm của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao đối với công tác giám định tư pháp…
Tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện một số địa phương trình bày các tham luận liên quan đến thực trạng, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012. Đồng thời, trao đổi, thảo luận kế hoạch triển khai thi hành luật Giám định tư pháp sửa đổi.
VĂN LỰC