Một bát thịt dê
* Truyện ngắn của kim giang (Trung Quốc)
Khi huyện chủ trương xây dựng các mô hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, xã Trường Lĩnh đã thành lập một nông trường chăn nuôi lớn. Xã trưởng Lưu nói, nông trường áp dụng phương pháp chăn nuôi tiên tiến của Banglađet, tuyển chọn được 2.000 con dê chất lượng cao từ Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng… đưa về nuôi dưỡng. Dù khoản nợ vay ngân hàng lên đến 100 vạn tệ, nhưng nhìn thấy đàn dê đông đúc, sởn sơ, béo tốt, mọi người đều rất tin tưởng chỉ khoảng vài ba năm là có thể trả được nợ.
Bí thư Huyện ủy Trương đích thân đến nông trường khảo sát tình hình, vỗ vai Xã trưởng Lưu, khen ngợi: “Tốt! Tốt! Đây đích thị là chương trình rất có triển vọng, hiệu quả cao đấy!”.
Trở về huyện, Bí thư Trương liền gọi điện triệu tập ngay một cuộc họp, trình bày cảm nhận của mình về nông trường chăn nuôi ở Trường Lĩnh và yêu cầu các ban, ngành trong huyện lần lượt đến tham quan.
Văn phòng Huyện ủy không dám chậm trễ, ngay trong đêm đã xếp lịch: từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 6, Thường vụ Huyện ủy, các ban Đảng, thường trực ủy ban, các huyện ủy viên phụ trách các ngành trực tiếp đến tham quan tìm hiểu tình hình tại nông trường Trường Lĩnh, sau đó tổ chức các cuộc họp bàn biện pháp thực hiện chủ trương thoát nghèo vươn lên làm giàu cho đơn vị mình. Huyện ủy ra thông báo từ nay đến ngày 19 tháng 3 năm sau, tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh, các xã phường, thị trấn phải tham quan học tập kinh nghiệm cũng như tinh thần dám nghĩ dám làm của lãnh đạo xã Trường Lĩnh, kết hợp với thực tế tại địa phương, vạch kế hoạch cụ thể, phấn đấu trong vòng hai năm toàn huyện sẽ không còn xã nào nằm trong diện xã nghèo trên toàn quốc!
Tiếp nhận thông tri của Thường vụ Huyện ủy, Xã trưởng Lưu nói, lần này huyện coi trọng nông trường Trường Lĩnh của chúng ta như thế, chúng ta nhất định phải xây dựng nông trường cho thật tốt, đồng thời cũng phải tiếp đãi khách tham quan cho thật tốt, nhất định phải lưu lại trong lòng họ ấn tượng tốt về chúng ta mới được!
Chánh văn phòng Ủy ban dè dặt đặt vấn đề: Trung bình mỗi ngày phải tiếp hơn hai - ba mươi khách tham quan, chúng ta sắp xếp việc ăn nghỉ như thế nào đây?
Bao nhiêu khó khăn trước mắt dồn vào Xã trưởng Lưu. Nông trường thì ở trên núi, cách ủy ban xã hơn 20 cây số, khách tham quan ăn uống ở xã e không thích hợp, còn đến nông trường bộ thì không biết lấy gì đãi khách. Xã trưởng Lưu đột nhiên nảy ra sáng kiến. Ông nói, tôi có cách này. Các vị lãnh đạo đến thăm nông trường chăn nuôi, nông trường ta chuyên nuôi dê, chúng ta thiếu mọi thứ nhưng dê thì không thiếu. Ngày mai, lãnh đạo tới, ta thịt lấy vài con thật béo, đắp lò, chế biến ngay tại nông trường bộ đãi khách, vừa thiết thực vừa tiết kiệm lại rất có ý nghĩa phải không nào? Mọi người tán thành nhiệt liệt.
Sáng hôm sau, một đoàn hơn 20 chiếc xe con xếp hàng dài dừng lại ở chân núi, cách nông trường bộ 6 cây số, lãnh đạo cuốc bộ lên núi. Nhìn thấy nơi rừng núi hoang vu này mọc lên một nông trường chăn nuôi quy mô lớn, các vị lãnh đạo phấn khởi lắm, ngợi khen rối rít. 12 giờ trưa mỗi vị khách được mời một bát thịt dê lớn và hai chiếc bánh nướng thơm phức càng khiến các vị lãnh đạo hết sức hài lòng! Bí thư Trương bưng bát thịt dê lên húp đánh soạt rất ngon lành, nói, ngon! Còn hơn cả những bữa tiệc mấy trăm mấy ngàn tệ nhiều! Tinh thần tiết kiệm của các vị thật đáng biểu dương. Bí thư Trương quyết định, từ nay về sau, bất kỳ ai đến tham quan, nông trường cũng chỉ được tiếp bằng thịt dê, không được thết đãi linh đình, tốn kém.
Quả nhiên, các đoàn khách tham quan đến nông trường đều được đãi canh thịt dê, ai nấy đều có ấn tượng thật sâu sắc.
Thoáng chốc đã sang xuân năm sau, lãnh đạo Ban chỉ đạo thoát nghèo của thành phố quyết định đi thăm nông trường Trường Lĩnh để biểu dương và nhân rộng mô hình trong tương lai. Chuyện này khiến cho xã trưởng Lưu thực sự hoang mang. Ông gọi điện xin ý kiến chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy. Sau một hồi trao đổi trên điện thoại, ông Trương chỉ thị: Cứ dùng thịt dê mà tiếp các vị ấy!
Lãnh đạo thành phố đến, sau khi đi xem những dãy chuồng dê khang trang ngăn nắp, tỏ ra rất hài lòng, nhưng lại không thấy dê đâu, bèn hỏi, dê thả rông trên núi à? Ông Lưu vô cùng lúng túng, nói, đang liên hệ với ngân hàng để vay vốn, phát triển đàn dê, nhưng chưa được chấp thuận, nhân đây chúng tôi thiết tha đề nghị lãnh đạo thành phố can thiệp…
Buổi trưa, khi đoàn khách ăn canh thịt dê, một lãnh đạo hỏi:
- Dê này mua hay là dê của nông trường?
- Dạ, đây là dê của nông trường chúng tôi, vừa mổ sáng nay, tươi ngon lắm đấy ạ! - Xã trưởng Lưu vội đáp.
Vị lãnh đạo nhìn bát thịt dê đầy váng mỡ, hỏi:
- Mỗi ngày làm thịt mấy con?
- Thưa hai con ạ - Xã trưởng Lưu chìa hai ngón tay ra, đáp.
Vị lãnh đạo không nói gì nữa, đặt bát thịt dê xuống bàn, đứng dậy.
Xã trưởng Lưu chờ Ban chỉ đạo thoát nghèo của thành phố phúc đáp yêu cầu của xã để được vay vốn ngân hàng tái lập đàn dê, nhưng thành phố vẫn im lặng. Trong khi đó đàn dê chất lượng cao của nông trường đã bị giết thịt gần hết. Ông Lưu rất bi quan lo lắng vội tìm đến Bí thư Huyện ủy Trương. Bí thư Trương đang xem một bài báo có tiêu đề “Khách tham quan mỗi năm ăn hết một nông trường chăn nuôi”, ngước nhìn xã trưởng Lưu, nói, thành phố vừa gọi điện… chỉ thị nông trường Trường Lĩnh phải tạm thời đóng cửa!”.
TRÀ LY (Dịch từ nguyên bản tiếng Hoa)