GIẢ LÀM NHÂN VIÊN Y TẾ TIÊM VẮC XIN PHÒNG BỆNH:
Cái giá phải trả!
Ngày 17.12, TAND TP Quy Nhơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương (SN 1974, huyện Tuy Phước) 4 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðây không chỉ là cái giá phải trả của bị cáo mà còn là bài học cho những người nhẹ dạ khi đánh cược sức khỏe, sinh mệnh của mình cho một kẻ lừa đảo.
Quang cảnh phiên tòa.
Dù chưa hề trải qua lớp đào tạo y khoa và cũng không hề có chứng chỉ hành nghề y, nhưng khi nhận thấy nhiều người dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn có nhu cầu tiêm ngừa vắc xin, bị cáo Sương đã chủ động lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tiền. Cụ thể, bị cáo Sương tự nhận là nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và nói mình có khả năng tiêm ngừa tại nhà nhiều loại vắc xin như đột quỵ, viêm gan B, viêm màng não, mũi 6 trong 1 cho trẻ em, ung thư cổ tử cung, HPV gây ung thư, cúm, viêm não Nhật Bản; thậm chí bị cáo còn lừa dối, tiêm vắc xin này có thể phòng ngừa vi rút Corona.
Và để tạo lòng tin, bị cáo Sương sau khi tiêm cho bị hại thì tiến hành lấy máu của họ, nói là đi xét nghiệm, sau đó tự làm phiếu xét nghiệm giả; in các phiếu chỉ định chủng ngừa rồi điền thông tin và đưa lại cho họ. Nhưng, thực chất vắc xin phòng nhiều bệnh mà bị cáo Sương rêu rao chỉ là kháng sinh Gentamicin, nước cất được Sương mua tại nhà thuốc. Với thủ đoạn này, trong khoảng thời gian từ ngày 1.7.2019 đến 10.3.2020, Sương đã liên tục thực hiện hành vi tiêm, nhỏ Gentamicin, nước cất cho 34 người, trong đó có 22 trẻ em, chiếm đoạt trên 63 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo Sương thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình và lấy lý do thiếu tiền chi tiêu, trả nợ xây nhà nên làm liều. Bị cáo Sương khai: “Vì bản thân có xin học nghề tại 1 số cơ sở hộ sinh nên biết cách lấy máu xét nghiệm và truyền dịch. Tình cờ trong một lần đem máu của người thân đi xét nghiệm nên biết được cách thức tiêm ngừa vắc xin”.
Với lời giới thiệu là nhân viên trung tâm y tế, vắc xin có sẵn không phải chờ lâu, giá rẻ, lại được đến tận nhà để tiêm nên nhiều người chủ động liên hệ với bị cáo Sương để được tư vấn kiến thức về tiêm chủng và nhờ Sương trực tiếp đến nhà tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. Là một trong những nạn nhân của Sương, chị M.D. (TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Trong lúc đang cần tiêm vắc xin 6 trong 1 cho con mà phải đợi cả tháng, nên khi có người quen giới thiệu tôi không nghi ngờ gì mà chủ động liên hệ ngay để được chị ấy (bị cáo Sương - PV) đến nhà tiêm. Cũng may những thứ mà chị ấy tiêm vào con tôi chưa gây ra hậu quả xấu và con tôi vẫn còn trong thời gian tiêm chủng định kỳ. Đây cũng là bài học cho tôi vì sự cả tin, chủ quan”. Tương tự, vợ chồng anh T.T. (Tuy Phước) đã bỏ ra 1,9 triệu đồng chỉ để Sương tiêm nước cất cho 2 vợ chồng và con trai với lời khẳng định vắc xin phòng được vi rút Corona.
Tuy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người nhất là trẻ em, thế nhưng khi hội đồng xét xử hỏi “Bị cáo có nghĩ khi tiêm những dung dịch nước cất, thuốc kháng sinh đó vào cơ thể của mọi người, nhất là trẻ em sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể sốc và dẫn đến tử vong không?”; bị cáo Sương vẫn bình thản đáp: “Nếu sốc thì bị cáo sẽ giải!!!”. Vậy bị cáo “giải” bằng cách nào, hội đồng tiếp tục truy vấn. Lúc này, bị cáo Sương chỉ cúi đầu im lặng và rồi bật khóc khi nhìn thấy dáng vẻ lom khom của cha già đang phải trả lời các câu hỏi liên quan của Hội đồng xét xử với tư cách là người làm chứng. “Bị cáo ân hận lắm, việc làm của bị cáo nguy hiểm cho mọi người, vì túng quẫn mà bất chấp để giờ làm khổ ba, khổ con, bị cáo sai rồi”.
Phiên tòa này được truyền hình trực tuyến đến 12 điểm cầu tại Viện KSND tỉnh và Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố. Mong rằng, những giọt nước mắt ân hận và hình ảnh người cha 80 tuổi lom khom trước tòa ấy sẽ giúp bị cáo Sương đủ nghị lực cải tạo và làm lại cuộc đời.
Bài, ảnh: KIỀU ANH