Thợ nữ ở làng rèn Tây Phương Danh
Trước đây, công việc làm ra sản phẩm ở làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, TX An Nhơn) thường chỉ phù hợp với đàn ông, bởi đòi hỏi nhiều sức lực. Mọi việc đã thay đổi từ nhiều năm qua khi phụ nữ cũng gắn bó và khẳng định mình hoàn toàn đáp ứng tốt các yêu cầu của nghề, một số người còn đóng vai trò chính ở nơi sản xuất. Ông Đoàn Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho biết: “Trên địa bàn khu vực Tây Phương Danh hiện có khoảng 200 thợ nữ, phụ giúp trong lò rèn của gia đình hoặc làm thuê cho những xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng. Nhiều chị em chịu khó, khéo léo, năng động đóng góp tích cực cho việc làm ra và tiêu thụ sản phẩm làng nghề trên thị trường”.
Chị Đặng Thị Quyên đang làm một sản phẩm.
Điển hình là chị Đặng Thị Quyên (41 tuổi, ở tổ 10, đường Trần Bá Huân, phường Đập Đá) - nữ thợ cả đầu tiên của làng rèn Tây Phương Danh. “Tôi bén duyên với nghề từ năm 15 tuổi và trở thành trụ cột của lò rèn lúc nào chẳng hay. Lúc đầu phải cầm búa, bao nhiêu lần tôi đập phải tay, đau chảy nước mắt. Từ ngày gia đình trang bị búa điện, công việc bớt nặng nhọc và nguy hiểm hơn”, chị Quyên chia sẻ.
Mới đây, lò rèn của gia đình chị Quyên đã trang bị lò điện đầu tiên có ở làng nghề để nung chảy sắt thép, qua đó loại bỏ lò than truyền thống có phần gây ô nhiễm môi trường. Bình quân một ngày lò rèn của chị Quyên làm ra được khoảng 100 cái móc sắt, 200 cái dùi cán gỗ… tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người thợ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thương (ở đường Ngô Văn Sở, phường Đâp Đá) cách đây 15 năm đã mở xưởng hàn điện chuyên làm lồng chim, chuồng chó cảnh, lồng gà... Hiện xưởng của chị Thương có 10 thợ nữ lành nghề, đảm nhiệm các công đoạn hàn, dập khuôn… Chị Thương cho biết: “Tôi chọn sản xuất những hàng hóa đơn giản để bắt kịp xu hướng của thị trường. Nhiều khách hàng thích chơi chim cảnh, chó cảnh nên mặt hàng lồng chim, chuồng chó bán rất chạy”. Chị Thương cũng chủ động đầu tư gần 500 triệu đồng mua máy hàn điện, máy dập khuôn và búa điện để tiết kiệm thời gian sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Mỗi ngày xưởng của chị Thương cho ra lò tổng cộng hơn 1.000 sản phẩm để bán sỉ cho các thương lái trong tỉnh...
Bài, ảnh: TRẦN THANH MINH THƯ