Trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ
Thời tiết chuyển lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ. Diễn ra đột ngột, không có triệu chứng báo trước, nhưng “cảm giác mệt, đau đầu…” là dấu hiệu nguy cơ bác sĩ khuyến cáo cần lưu ý.
Bệnh nhân nhập viện tăng 20%
Các bác sĩ khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) vừa can thiệp kịp thời cho bệnh nhân T.T.V (45 tuổi, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị đột quỵ não, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người bên phải, không nói được. Bệnh nhân được nhập viện ở giờ thứ 2 của đột quỵ. Kiểm tra CT-Scanner sọ não không ghi nhận xuất huyết não và tổn thương nhồi máu não, bác sĩ tiến hành làm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Chụp CT-Scanner mạch máu não cho thấy, có hình ảnh tắc động mạch cảnh trong bên trái, bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối trong 45 phút, phục hồi nhanh chóng và gần như hoàn toàn.
Thời tiết chuyển lạnh, khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) tiếp nhận cấp cứu, điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ, phần lớn là xuất huyết não.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trung, Phụ trách khoa Thần kinh, cho hay, đột quỵ do tắc cấp động mạch cảnh trong luôn làm cho các bác sĩ đột quỵ và bác sĩ can thiệp mạch mệt mỏi. Bệnh nhân đến muộn, não thương tổn lan rộng và phù não nặng, dù cấp cứu nhanh, truyền thuốc, can thiệp lấy huyết khối tái thông mạch máu tốt, chưa chắc đã cứu được bệnh nhân. Bệnh nhân đến sớm, thương tổn não chưa lan rộng thì cơ hội cho bệnh nhân khá cao.
Hiện, mỗi ngày, khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) tiếp nhận điều trị khoảng 65 bệnh nhân, phần lớn là đột quỵ do xuất huyết não, tăng 20% so với ngày thường. Từ tháng 10 đến đầu tháng 12, lượng bệnh nhân tại khoa tăng mạnh, với khoảng 700 bệnh nhân đột quỵ; nhiều trường hợp đến từ tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên.
“Thời tiết chuyển lạnh khiến lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên, đa số là xuất huyết não. Bệnh nhân thường có biểu hiện yếu liệt nửa người, mắt nhìn kém, cơ yếu, nói khó. Bệnh này thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, nhưng trước đó có thể có cảm giác mệt, đau đầu…”, bác sĩ CKI Phạm Nhất Nhiệm, khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) cho hay.
Gia tăng ở người trẻ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung, đột quỵ luôn là vấn đề lớn của ngành y tế, nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cũng như tàn phế. Gần đây việc điều trị đột quỵ đã có những tiến bộ vượt bậc, giảm tử vong và tàn phế, tuy nhiên điều tiên quyết là cả bệnh nhân cũng như các bác sĩ phải chạy đua với thời gian. “Giờ vàng” của bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ.
Đặc biệt, nếu trước đây đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên thì nay ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp đột qụy.
Điều trị đột quỵ có những tiến bộ vượt bậc, giảm tử vong và tàn phế, tuy nhiên điều tiên quyết là cả bệnh nhân và bác sĩ phải chạy đua với thời gian.
Bác sĩ CKII Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK Khu vực Bồng Sơn, cho hay, từ tháng 11 đến nay, bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trước đây, bệnh xảy ra nhiều nhất ở người từ 60 - 70 tuổi, thì giờ từ 45 - 55 tuổi; không ít trường hợp vào viện muộn, bệnh nặng, làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe.
Không có thuốc ngừa đột quỵ
“Ðột quỵ xảy ra đột ngột trên bệnh nhân có bệnh lý nền, hoặc không có bệnh lý nền. Tôi khẳng định không có thuốc ngừa đột quỵ, mà chỉ có thể giảm yếu tố nguy cơ bằng cách khám sức khỏe định kỳ để tầm soát; lối sống lành mạnh, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt sao cho khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia…”.
Bác sĩ CKI Phạm Nhất Nhiệm, khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh)
Khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh) cũng vừa tiếp nhận nam thanh niên 28 tuổi bị đột quỵ chuyển đến từ cơ sở y tế tuyến dưới. Trường hợp trẻ nhất bị đột quỵ được ghi nhận đến nay là dưới 20 tuổi. “Người mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh lý van tim, mỡ máu, bệnh lý về nội tiết tố, rối loạn tuyến giáp, thận… có nguy cơ cao với đột quỵ. Nhóm bệnh nhân trẻ mắc đột quỵ tần suất tăng dần do bệnh lý nền; lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… gây ra thay đổi đột ngột về mạch máu. Dù vậy, có một số bệnh nhân rất trẻ - dưới 20 tuổi không có yếu tố nguy cơ, nhưng tìm hiểu ghi nhận bệnh nhân chơi games nhiều, gây căng thẳng dẫn đến đột quỵ”, bác sĩ Nhiệm phân tích.
Bác sĩ Nhiệm khuyến cáo, để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc, cần căn cứ vào một số dấu hiệu nhận biết như đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); đột ngột nói khó, mắt sụp một bên; đau đầu, chóng mặt… Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức đến bệnh viện có thể để điều trị trong giờ vàng “cứu não”.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG