Phòng bệnh viêm xoang mạn tính tái phát
Viêm xoang mạn tính là một bệnh xảy ra quanh năm nhưng mỗi khi thay đổi thời tiết, nhất là lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt hoặc khô hanh bệnh rất dễ tái phát.
Bình thường, các lỗ của xoang thông thoáng, dịch do xoang tiết ra và không khí luôn có sự lưu thông. Khi những lỗ này bị tắc nghẽn bởi viêm gây phù nề làm cho sự lưu thông ngừng trệ sẽ dẫn tới viêm xoang. Nếu bệnh chỉ diễn biến trong vòng 4 tuần liên tục, được gọi là viêm xoang cấp tính. Khi bệnh kéo dài trên 8 tuần liên tục hoặc lâu hơn sẽ trở thành viêm xoang mạn tính.
Bệnh nhân viêm xoang điều trị tại khoa Tai - Mũi - Họng, BVĐK tỉnh. Ảnh: M.HOÀNG
Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm xoang cấp do nhiễm khuẩn sau cảm cúm, viêm mũi, viêm amidan… không được điều trị dứt điểm ngay từ đầu dẫn đến viêm xoang mạn tính. Bên cạnh đó, việc lạm dụng, sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định trong thời gian dài cũng gây viêm xoang. Viêm xoang mạn tính có thể gặp ở người sống trong môi trường bị ô nhiễm (khói, bụi, ẩm thấp, thiếu vệ sinh…), hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào) hoặc người mắc bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm mũi, họng mạn tính, hen suyễn, khí phế thũng, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…). Ngoài ra, thay đổi thời tiết, nhất là lúc chuyển mùa từ nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt là những điều kiện để bệnh viêm xoang mạn tính tái phát.
Viêm xoang thường có những triệu chứng như chảy mũi nước, người bệnh luôn phải khịt, xì mũi hoặc cảm giác vướng nhầy nơi cổ họng. Dịch có thể màu trắng đục, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, khi có mùi hôi là dấu hiệu bệnh nặng. Ngạt mũi có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên mũi. Đau nhức tùy thuộc vào vị trí hốc xoang bị viêm nhiễm như đau nhức giữa hai mắt (viêm xoang sàng trước); vùng má (viêm xoang hàm); giữa hai lông mày (biểu hiện của bệnh xoang trán); vùng gáy (có thể là xoang bướm hoặc xoang sàng sau hoặc cả hai).
Để giảm bớt tình trạng đau, tắc, ngạt mũi, dịch mũi nhầy khi viêm xoang, bệnh nhân nên uống nhiều nước để giúp làm loãng chất nhầy. Không tự dùng kháng sinh, thuốc chống viêm khi không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên tránh môi trường lạnh, khô, khói bụi, chất kích thích như khói thuốc lá hoặc mùi các hóa chất mạnh; tránh nơi nhiệt độ quá chênh lệch. Khi ra đường hay làm việc nơi bụi bặm thì nên mang khẩu trang. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ để tránh bị nhiễm khuẩn. Nên xịt rửa mũi bằng nước muối nhiều lần trong ngày để loại bỏ màng nhầy đặc; nghỉ ngơi hợp lý. Bổ sung dinh dưỡng vitamin giúp cơ thể chóng phục hồi. Gối cao đầu khi ngủ. Khi nhận thấy các triệu chứng viêm xoang như đã nói trên, người bệnh nên đến các phòng khám chuyên khoa để được khám, nội soi hay cần thiết chụp cắt lớp mũi xoang để chẩn đoán chính xác và tiên lượng bệnh.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)