Lắng đọng Trường Sa!
“Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/ Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/ Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão/ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” - Đúng như những lời thơ giản dị, chân thật của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến mà tôi đã thuộc lòng: Trường Sa hết đỗi gần gũi, thân thương với những nét văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm dựng và giữ nước; với ánh mắt, nụ cười và giọng nói “liền da, liền ruột” của 3 miền Bắc, Trung, Nam... Tất cả những hình ảnh và dư vị ấy, như gom góp, hòa quyện lại để phác họa nên vóc dáng của một Tổ quốc nơi đầu sóng.
Trước thềm Xuân, con tàu HQ571 rẽ sóng lớn, tiến thẳng về hướng mặt trời mọc. Suốt hành trình dài, tàu phải vật lộn, đọ sức với bão biển, rồi “cầm lòng” neo tìm phút bình yên ở “lòng hồ” đảo Đá Tây. Đến bình minh ngày thứ 10, một tiếng reo vui át sóng biển: “Trường Sa Lớn kia rồi anh em ơi!”. Đoàn người như phủi bỏ mọi mệt nhọc, cùng hướng nhanh về phía mũi tàu.
Đúng rồi! Phía giao nhau của biển và trời nổi lên một vệt dài xanh mướt, lô nhô phía bên trên là hàng cột quạt gió lừng lững như những gã khổng lồ hiên ngang giữa phong ba. Đến gần hơn, “bức tranh đảo” điểm thêm gam đỏ chói của ngói mới và màu xanh non nỏn của cây non.... “Đảo của ta đây rồi anh em ơi…!”.
Ngày cuối cùng của năm 2013 mà tính tình của biển vẫn như bà đẻ mọn. Con tàu dù hiện đại, cộng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của thủy thủ đoàn cũng không thể cập cảng. Bởi thế, những chiếc xuồng bé nhỏ phải thực hiện tiếp sứ mệnh “chở mùa Xuân” ra với Trường Sa.
Không thể tả hết niềm xúc động trào dâng khi những chiếc xuồng tiến mỗi lúc một gần hơn về đảo. Phía trước kia, trên cầu cảng, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đưa tay chào đón. Thượng tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng, Chủ tịch Thị trấn Trường Sa Lớn với nụ cười hiền, giọng rền ấm: “Chào mừng các thủ trưởng, các đồng chí đến Tổ quốc nơi đầu sóng!”.
Tiếp đó là những cái bắt tay, những vòng ôm xiết của những con người chưa một lần quen biết mà tưởng như họ là anh em một nhà. Tiếng nói tiếng cười rôm rả, niềm vui ập đến vỡ òa như thể mỗi người sinh ra, đang ở đây vốn dĩ được quyền đón nhận hạnh phúc trong ngày hội ngộ này. Cổ họng tôi bỗng nghẹn lại, ánh mắt xém cay cay. Tôi chỉ biết thả trôi cảm xúc thật lâu, rồi lắng lòng cảm nhận về tình người, tình đồng chí quá đỗi thiêng liêng; để được nghe mùi đất, mùi nắng, mùi gió, mùi mồ hôi kết nên quê hương nơi đầu sóng.
Về với Trường Sa mới thấy mình đã từng nhỏ bé và “bồng bột” đến độ phải hờn dỗi với chính mình. Từ trước đến giờ, vẫn cách nghĩ Trường Sa lớn là một “tảng đá” nằm chơ vơ giữa biển, xung quanh chỉ có màu thăm thẳm của trời và nước. Nơi chỉ có gió nồng mang vị mặn mòi của biển và cái nắng miền Trung Nam bộ chói chang bỏng rát. Nơi những đàn cá ngày ngày tung tăng dưới rặng san hô rực rỡ, óng ánh; những con sóng xanh biếc khi hiền hòa, khi gầm gào dữ dội. Nơi những cánh chim hải âu sải cánh ngang trời báo tin vui và nỗi buồn thường nhật cho lính đảo. Nơi mà người ta có thể với tới những ánh sao khi đêm về, có thể chạm vào mặt trời khi bình minh lên...
Thế nhưng Trường Sa đâu chỉ có vậy. Nơi đây còn có dáng vóc và tâm tính của người Việt. Đầy đủ cả giọng Nam, giọng Bắc, giọng Trung; giọng Hà Nội, giọng người Tây Bắc, cho đến giọng đồng bào Tây Nguyên phát âm lơ lớ tiếng phổ thông... nhưng tất cả đều rất thân thiện: Chào bác, chào cô, chào anh! Mọi người có khỏe không ạ? Biển động thế này có ai say lắm không?... Và rồi Trường Sa càng gần gũi hơn khi đâu đâu cũng thấy khung cảnh sinh hoạt thường nhật chẳng khác gì so với đất liền. Cũng bàn thờ tổ tiên, cũng bữa cơm ấm cúng, những đứa trẻ thẹn thùng nấp dưới tán bàng vuông tròn xoe mắt nhìn “khách”; những tiếng học bài ê a hòa cùng sóng biển ngân xa…
Về với Trường Sa mới biết, mới cảm nhận đủ đầy: Nơi đây nhịp sống đang trỗi dậy sinh sôi, nhưng cũng lắng đọng và chan chứa tình người. Ở đây không có sự bon chen, toan tính ích kỷ mà chỉ những ước mơ, những khát khao cùng hướng về lý tưởng duy nhất: Đó là độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nơi hiện hữu một tình yêu bất diệt, là sự cống hiến cho Tổ quốc trong mỗi con tim. Như không có sự điều khiển của ý thức, tôi cúi nhặt một nắm đất giữa trùng khơi, tự đáy lòng và trong sâu thẳm tâm hồn nhắc nhở mình: Sẽ không bao giờ được quên phút giây thiêng liêng này!
Có lẽ, cảm nhận đầu tiên của mỗi ai đặt chân đến với Trường Sa là khoảnh khắc thiêng liêng khiến con người ta thêm yêu nước đến cháy lòng. Đó là tình yêu hiển hiện qua sắc đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc, qua ánh mắt và nụ cười nồng hậu của những người khác ta lứa tuổi. Sẽ không ai cầm được xúc động khi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà bê-tông cốt thép được xây dựng trên nền cát mặn. Phía bên trên mỗi “mái ấm” bao giờ cũng là biểu trưng cho chủ quyền dân tộc; hiện hữu lời thề giữ biển: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương", “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thân yêu”... Phía trong những “chiến bào” bao giờ cũng hiện hữu bóng dáng người thân nơi đất liền, được treo trên tường thép, đặt sâu dưới đáy ba lô hay e ấp bên những chiếc giường đơn mộc mạc!
Trường Sa đẹp lắm! Chỉ cần mỗi sớm thức giấc, được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc giữa bao la sóng nước mới cảm nhận được Tổ quốc mình đẹp biết bao! Sắc vàng của buổi sớm hòa chung cùng màu xanh thẳm của biển khơi khiến tâm hồn dẫu khô cứng nhất cũng xao xuyến, mê mải ngắm nhìn. Cũng bởi thế mà Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên Trường Sa Lớn cảm hóa lòng người:
- Cho dù là cái nắng chói chang, gay gắt vào mùa hè hay là những cơn mưa nặng hạt trong mùa giông bão thì Trường Sa vẫn mang vẻ đẹp riêng: Không phô diễn mà sâu lắng như mạch ngầm khắc ghi vào tâm trí của những ai từng một lần “duyên nợ” với Trường Sa.
Anh Giáp nói đúng. Cái “mạch ngầm” trong con tim mỗi người dường như bắt đầu từ sóng gió phong ba, từ sự kham khổ, túng thiếu về vật chất nhưng đủ đầy về đời sống tinh thần nơi đây. Cũng bởi thế mà khi chọn lựa cho mình một môi trường sống, làm việc nơi thiếu đất, thiếu nước là quyết định khó khăn thuở ban đầu, nhưng rồi mỗi sinh linh đều biết cách thích nghi, hòa nhập vào nếp sống mới giữa ngàn khơi. Chuyện rằng, có những người khi nhận quyết định ra đây họ đã bật khóc, đã sụp đổ và tan biến hy vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng gắn bó khoảng đời ngắn ngủi họ bỗng “trở chứng” tự tay viết đơn xin đăng ký ở lại, rồi gắn bó cả đời mình… Họ không thể xa rời Trường Sa. Và rồi những đứa trẻ được sinh ra nơi đây, nay mai khi lớn lên, khi trưởng thành tung bay đến mọi miền Tổ quốc, hay một nơi phồn hoa, văn minh của địa cầu, phút chạnh lòng chắc chắn chúng sẽ nhớ lời mẹ ầu ơ, nhớ tiếng sóng Trường Sa vỗ về, nâng niu dìu dắt!
Có hòa vào cuộc sống bình yên nơi đảo xa mới cảm nhận hết giá trị của những cống hiến thầm lặng quân, dân Trường Sa hướng về Tổ quốc, về đất mẹ bao dung. Để rồi, một lần đến, một lần lưu luyến, một lần mang về những kỷ niệm sâu sắc như không thể cắt lìa, không thể vỡ vụn, không bao giờ mất đi trong một kiếp người... Cái “kỷ niệm” ấy sâu đến độ, một người bạn đồng hành lần đầu tiên đến với đảo đã đúc rút ra chân lý: Đất nước sẽ vĩnh viễn trường tồn ở tận đảo xa không phải chỉ ở những cột mốc chủ quyền được cắm sâu trong lòng đất, không chỉ ở những lá cờ Tổ quốc tung bay giữa nắng và gió Biển Đông, cũng không hẳn ở vóc dáng luôn chắc tay súng của những người canh biển, mà nó nằm trong chính trái tim và tình yêu đất nước của mỗi chúng ta. Chính tình yêu đó đã tạo nên sức cảm hóa vô hình, kết nên sợi dây liên kết tình đồng bào. Nó làm cho Trường Sa gắn bó với hơn 90 triệu dân nơi đất liền; làm cho Trường Sa gần gũi, thiêng liêng hơn với 4 triệu kiều bào đang sống ở hơn 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sợi dây liên kết đó chính là sự đoàn kết, đồng lòng, có giá trị như một sức mạnh duy trì sự trường tồn của đất nước, một dân tộc, một Tổ quốc.
. Theo NGUYỄN TẤN TUÂN (QĐND Online)