Biển của ta...
Tuyên bố tàu đánh cá nước ngoài không được đánh bắt trong 2/3 diện tích Biển Đông của chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 ngay lập tức đã bị sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đây được coi là hành động nằm trong ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, bất chấp sự thật lịch sử cũng như thực tiễn, kể cả luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng, đây là hành động của chính quyền tỉnh Hải Nam chứ không phải là của Trung ương. Không phải một lần phía Trung Quốc nói như vậy với những hành động "lỡ làng”. Đó là cách "đổ” cho cấp dưới không ai còn lạ.
Ngày 29-11-2013, khi chính quyền tỉnh Hải Nam tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá với tàu nước ngoài, công bố chính thức ngày 3-2-2013, các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đã lấy làm ngạc nhiên. Đó là yêu sách mang tính độc đoán, bất chấp sự thật lịch sử, thực tiễn cũng như luật pháp quốc tế. Nhưng, người ta vẫn "đợi” xem ý của Bắc kinh thế nào. Đương nhiên Bắc Kinh biết việc đó, nhưng vẫn im lặng, không nói có mà cũng chẳng nói không, không nói đúng mà cũng chẳng nói sai. Không có chuyện chính quyền một tỉnh đưa ra "tuyên bố chủ quyền” ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của nhiều quốc gia mà Trung ương lại không biết. Biết nhưng không nói gì, có nghĩa là mặc nhiên coi điều đó là đã được chính quyền Trung ương chấp thuận.
Đó là cách chơi con bài nước đôi: Khi quốc tế phản ứng mạnh với những lí lẽ xác đáng thì rút lại quyết định của địa phương. Còn nếu không thấy phản ứng nhiều, hoặc cứ làm tới không ai làm gì được thì sẽ "thừa thắng xông lên”. Có nghĩa là, khi dùng xảo thuật này, không bao giờ phía Trung Quốc bị thiệt, bởi họ đã nắm đằng chuôi, tiến thoái đều được cả.
Theo giới phân tích quốc tế, "chiến thuật” này của Bắc Kinh không mới cũng chẳng còn lạ, nhưng vẫn được áp dụng triệt để cả trên biển, trên không, trên đất liền. Nói riêng với chuyện Biển Đông, cho dù họ không biết thuộc cấp của mình ra tuyên bố sai trái đi chăng nữa, thì tại sao họ lại điều nhiều tàu hải giám xuống khu vực này, nhằm ngăn cản, xua đuổi, kể cả tấn công bằng vũ lực vào tàu của các quốc gia khác, nhất là việc ngày 3-1 vừa qua, tàu hải giám Trung Quốc đã tấn công một thuyền đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, không chỉ là chính quyền Trung ương "bật đèn xanh” mà còn chỉ đạo chính quyền địa phương "xung phong” đi đầu độc chiếm Biển Đông. Đây cũng là một tín hiệu phát đi với các nước có liên quan rằng, Bắc kinh đã dùng biện pháp rắn, dùng vũ lực để xưng hùng xưng bá trên Biển Đông.
Tuy nhiên, họ không dễ thực hiện được ý đồ, bởi còn luật pháp quốc tế, còn sự tự bảo vệ của những quốc gia đã xác lập chủ quyền lãnh hải của mình trên Biển Đông.
Với Hoàng Sa, biết bao đời nay người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đã xác lập chủ quyền, đã khai thác, đã bảo vệ. Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng sa của người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn còn đó. Những ngôi mộ gió tưởng nhớ những người thiệt mạng trong những đợt giong thuyền ra Hoàng Sa vẫn còn đó. Cho tới hôm nay, dù phía Trung Quốc đe dọa, từng nhiều lần bắt giữ, tấn công tàu cá Việt Nam trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa thì ngư dân Việt Nam vẫn bám biển, vẫn ra khơi. Sở dĩ như vậy vì đó là quần đảo của chúng ta, vùng biển của chúng ta, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và có quyền khai thác.
Trong khi phía Trung Quốc vẫn dùng sức mạnh lấn lướt, một mặt chúng ta cũng như các quốc gia liên quan sẽ tiến hành đấu tranh đòi lại công lý bằng phương pháp hòa bình, mặt khác cũng cần tính đến việc bảo vệ ngư dân tốt hơn. Giữa biển khơi mênh mông, thăm thẳm trời nước, không thể để những ngư phủ can trường bị đơn độc. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng ta không trang bị vũ khí cho ngư dân, nhưng cũng không thể để họ không an tâm lao động trên vùng biển của đất nước mình. Phía Trung Quốc có những đội tàu ngư chính, hải giám để áp đặt đặc quyền trên Biển Đông, thì chúng ta cũng cần có những đội tàu đủ mạnh để bảo vệ lãnh hải của mình, bảo vệ công dân của mình.
Chúng ta không gây chiến, không muốn dũng vũ lực, nhưng phải có phương tiện cần thiết để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ ngư dân. Đó cũng là lẽ tất nhiên!
. Theo NAM VIỆT (Đại đoàn kết)