Một sự thật không thể bác bỏ
Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, các thế lực thù địch đã tăng cường chiến lược “Diễn biến hòa bình” đẩy mạnh cuộc “Chiến tranh không khói súng” nhằm chuyển hóa các nước XHCN sang con đường TBCN, trong đó có Việt Nam. Đối với nước ta, chúng tập trung vào việc xuyên tạc, vu cáo thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vu cáo chế độ ta chà đạp lên quyền công dân (QCD) và quyền con người (QCN).
Thực tế lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX cho thấy: Chủ nghĩa Mác-Lê nin là lý luận duy nhất đúng đắn về con đường cách mạng, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; đem lại QCD, QCN cho các dân tộc, nhất là các nước thuộc địa. Như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã từng viết: Chủ nghĩa Mác không tạo ra đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc. Đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc là một thực tế lịch sử khách quan. Chủ nghĩa Mác- Lênin là lý luận về con đường đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Chủ nghĩa Mác-Lênin hướng đến xây dựng một xã hội trong đó “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).
Thực tế cho thấy chủ nghĩa Mác cho đến nay hoàn toàn không lạc hậu, lỗi thời. Tất nhiên học thuyết đó phải được thường xuyên vận dụng và phát triển sáng tạo. Vào năm 1999, trong cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ XX do Đại học Cambridge (Anh) tổ chức, kết quả là C.Mác đứng đầu, người phát minh Học thuyết tương đối Anh-Xtanh đứng thứ hai.
Kế thừa chủ nghĩa Mác-Lênin, các học thuyết xã hội tiến bộ của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đóng góp mang tính thời đại cả về lý luận và thực tiễn về QCN. Người phát hiện: QCN của các dân tộc thuộc địa chỉ có thể có được bằng cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội dựa trên vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là tiền đề, điều kiện của QCN ở các quốc gia.
Mục tiêu xuyên suốt của các giai đoạn cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là đấu tranh giành lại và bảo đảm QCN, QCD. Các Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta luôn lấy việc giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo đảm các QCN, QCD là mục tiêu của cách mạng. Cương lĩnh 2011 viết: “ Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích của dân tộc…”; “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các QCN, QCD; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp quy định. QCD không tách rời nghĩa vụ công dân… ”.
Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Trên lĩnh vực QCN, Việt Nam đã sớm gia nhập, ký kết các công ước quốc tế về QCN. Cho đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết công ước quốc tế về QCN, mới đây VN được bầu vào Ủy ban nhân quyền LHQ với số phiếu bầu cao nhất. Đồng thời Việt Nam đã nội luật hóa các công ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia. Các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền dưới mọi phương thức, thủ đoạn là nằm trong âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam luôn chứng minh rằng Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lấy độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và tự do hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu đấu tranh. Không ai có thể phủ nhận được rằng Cách mạng Tháng Tám 1945 lần đầu tiên đã đem QCD, QCN cho nhân dân ta. Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với nhiều hy sinh, gian khổ chính là nhằm bảo vệ Tổ quốc và cũng là bảo vệ QCD, QCN.
TRUNG NGÔN