Điều kiện ATTP đối với thức ăn đường phố:
Nhiều người chưa biết đến quy định
Đến nay, Thông tư số 30/2012/TT-BYT (TT 30) của Bộ Y tế về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã có hiệu lực gần 1 năm; nhưng xem ra những quy định tại TT 30 chỉ có hiệu lực… trên giấy.
Theo quy định tại TT 30 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20.1.2013) thì các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng bảo đảm sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; giá, tủ để bày thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn liền phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức VSATTP theo quy định. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định…
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, nhiều người bán thức ăn đường phố trên địa bàn TP Quy Nhơn như trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đường Nguyễn Huệ); trước Bệnh viện Đa khoa TP Quy Nhơn (đường Trần Hưng Đạo); các tuyến đường tập trung nhiều gánh hàng thức ăn đường phố như Nguyễn Công Trứ, Hàn Mặc Tử, Ngô Văn Sở, Phạm Ngũ Lão…, tất cả những người kinh doanh loại hình này đều không chấp hành quy định. Theo quan sát của chúng tôi, đa số các gian hàng bán thức ăn đường phố đều rất xập xệ, không hề có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và chống được bụi bẩn, ruồi nhặng, côn trùng; hầu hết người bán hàng dùng “tay trần” để cầm, lấy thức ăn cho khách. Đặc biệt, nhiều trường hợp, người bán hàng vô tư đặt gánh thức ăn ngay dưới đất để bán cho người mua.
Khi nghe chúng tôi liệt kê một số yêu cầu về điều kiện VSATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, rất nhiều người kinh doanh loại hình này tỏ ra ngạc nhiên và thừa nhận chưa hề hay biết. Một người bán phở trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Tui bán đồ ăn ở đây hơn chục năm rồi, nhưng chưa nghe quy định này bao giờ. Mà thiệt có quy định thì chúng tui cũng không rảnh để đi khám sức khỏe, hoặc đi tập huấn để được phát giấy chứng nhận”. Còn theo chị Lê Thị Trinh, bán bánh tráng trộn tại đường Trần Bình Trọng (TP Quy Nhơn) thì: “Nếu bắt bọn tui thực hiện đúng quy định về điều kiện VSATTP đối với thức ăn đường phố, chắc bọn tui dẹp tiệm hết”.
Đáng nói hơn, không chỉ người bán, rất nhiều người tìm đến dịch vụ thức ăn đường phố cũng chẳng cần quan tâm đến quy định về VSATTP. Nhiều người vô tư ngồi thưởng thức các loại “thức ăn nhanh” như thịt nướng, bánh xèo, khoai lang nướng, phở, bún… ngay lề đường. Khi được hỏi, liệu ăn vậy có đảm bảo vệ sinh ATTP và có từng nghe quy định về điều kiện an toàn thức ăn đường phố, có nhiều người thú nhận là không mấy quan tâm đến chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
Có thể thấy, để TT 30 thật sự đi vào cuộc sống, phát huy hết tính tích cực, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người bán thức ăn đường phố nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đi đôi với việc tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
B.NGÂN