Phong trào nông dân khởi nghiệp sáng tạo: Cần có sự đồng hành
Khởi nghiệp sáng tạo là nhu cầu phát triển của nông dân và toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập. Ðể phong trào nông dân khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp, các ngành chức năng.
Đây cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025” vừa được Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức.
thay đổi tư duy sản xuất
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho hay: Vận động, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. HND các cấp trong tỉnh đã triển khai và tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo như hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, tiếp cận thị trường… Tuy nhiên, kết quả mang lại còn ở mức rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, số hộ sản xuất giỏi cấp Trung ương của tỉnh có tính chất khởi nghiệp sáng tạo chỉ đạt 19/75 hộ; đối với cấp tỉnh có 171/1.341 hộ; cấp huyện 763/10.064 hộ; cấp xã 1.100/38.943 hộ.
Quang cảnh hội thảo.
theo HND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh dựa vào kinh nghiệm là chính; chưa mạnh dạn hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; quy mô sản xuất còn nhỏ, cá thể, tự phát. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ của hội, các ngành chức năng đối với các mô hình có tính khởi nghiệp sáng tạo, mô hình kinh tế chất lượng cao còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn và cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ còn nhiều bất cập…
Tại hội thảo, nông dân Mai Văn Rõ ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), nêu ý kiến: Để nông dân có cơ hội khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế gia đình, rất cần sự đồng hành, giúp sức từ các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn từ phía ngân hàng, có như vậy nông dân mới có cơ hội vươn lên. “Hiện nay, tôi đang phát triển chăn nuôi trang trại gà ta với quy mô 16 dãy chuồng, hơn 30.000 con gà thịt trên diện tích 8 ha. Tôi đã xúc tiến thành lập HTX chăn nuôi gà để cung cấp sản phẩm thịt gà cho thị trường Đà Nẵng và Quy Nhơn. Tôi rất mong muốn có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất”.
Tương tự, bà Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa, phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), kiến nghị:“Hiện nay, trên địa bàn Tam Quan Bắc có trên 30 hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm nhưng chỉ có 8 hộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản xuất nước mắm truyền thống. Các hộ có đăng ký nhãn hiệu thì phải đóng các khoản thuế theo quy định; sản xuất nước mắm theo tiêu chuẩn quy định. Trong khi đó, các hộ khác thì không phải chịu bất cứ khoản thuế nào, quy trình sản xuất không được kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt thòi cho những hộ sản xuất, kinh doanh chân chính”.
Cần có sự đồng hành
Theo Chủ tịch HND tỉnh Đặng Hoài Tân, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đối với nông dân khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng cần thiết. Bắt buộc nông dân phải phát triển sản xuất, kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh có sức cạnh tranh lớn.
tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng, các DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ với nông dân về các chủ trương, chính sách, nguồn lực; các điều kiện cần và đủ để nông dân được hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng các chính sách đặc thù để hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ thông tin về định hướng thị trường sản phẩm trong và ngoài tỉnh để nông dân lựa chọn sản phẩm khởi nghiệp phù hợp. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ KHKT, công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm để tăng thêm giá trị nông sản. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt là những ý tưởng kinh doanh mới. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, quảng bá và tiêu thụ nông sản…
Bài, ảnh: NGUYỄN HÂN