Vươn lên từ nghèo khó
Về thôn Cát Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, hỏi ông Lê Việt Cường (sinh năm 1956) có người biết, người không, nhưng hỏi ông Sáu Đài (tên thường gọi của ông Lê Việt Cường) có nhiều xe chở khách, thì hầu hết bọn trẻ đều biết. Xe Sáu Đài bon bon trên đường hàng ngày, và câu chuyện vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi của ông Sáu Đài có nhiều người biết, và xem đó là một tấm gương tốt để noi theo.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu Đài vào một buổi chiều cuối năm. Lanh - con trai cả của ông - đang tỉ mẩn chùi lau, rửa sạch mấy chiếc xe khách 16 chỗ vừa xong chuyến trở về. Còn ông thì tận dụng đan lại mấy chiếc rọ cũ cho kịp sáng mai đi bắt vài chú heo “trữ” trong chuồng bán tháng Chạp này. Ông Sáu Đài cười giòn tan: “Tôi cần cù làm việc tìm được cái vui, lại có chút ít như ngày hôm nay nhằm lo cho con cái, ơn nghĩa phải trái, còn để dạy bọn chúng quý yêu lao động. Có chịu khó, chăm chỉ lao động thì mới có điều kiện vươn lên trong cuộc sống…”.
Năng động làm ăn
Với gia đình ông Sáu Đài, đối mặt với chiến tranh và bom đạn, với một bề dày truyền thống thì ở xứ này ai cũng biết đến và nể phục. Bốn anh em, có tới ba người dũng cảm hy sinh trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Còn ông Sáu Đài ngày ấy, cậu bé 14 tuổi, khệ nệ vác khẩu AK muốn ngã, mà vẫn máu lửa vào đội du kích xã, đêm đêm rình mò đi đánh giặc.
Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi giống như ở thành thị, nhưng ông càng không thể quên những năm tháng cùng ba má ra đồng, đêm đến lại cùng anh em tham gia chiến đấu. Cực khổ lắm, thiếu ăn thường xuyên, được ăn cơm độn với mì là sướng lắm, nhưng cái “tâm” với cách mạng thì vẫn sáng trong, không gợn một chút gì… Người thương binh loại 4/4 đang ngồi trải lòng với chúng tôi. Phía sau lưng ông, trên tường nhà treo đầy bằng Tổ quốc ghi công, bằng công nhận mẹ Việt Nam anh hùng, có cả Huy chương kháng chiến hạng nhất của ông Sáu Đài.
Chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình. Nhưng đối diện và chiến thắng nghèo đói sau giải phóng cũng không phải là điều đơn giản chút nào đối với ông Sáu Đài. Ba mẹ già, các con nhỏ lần lượt ra đời, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn... Hàng ngày, vừa hoàn thành công việc xã đội phó, ông lại tất tả ra đồng, lầm lũi với con trâu đi trước, cái cày đi sau, gắn bó với 8 sào ruộng lúa, để kiếm cái ăn, cái mặc cho 10 miệng ăn, nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Ông nghĩ: “Nếu nản chí thì đói cả nhà, phải tự cứu lấy mình trước đã. Chỉ với ruộng đồng thì không thể khá hơn được, thế là sau năm 1992, ông học hỏi xáp vô nghề mổ heo”.
Không bỏ ruộng, nhưng trên chiếc xe máy cà tàng, ông đi dạo khắp nơi, mua heo thịt, mổ ngay tại nhà. Cuộc sống kinh tế nhà ông nhờ đó như một một ngọn đèn dầu được khêu lên, sáng dần. Mắm muối ăn theo hàng thịt của vợ, còn gạo lúa thì cứ mấy sào ruộng ông lục đục mãi, hết lúa, đến cây hoa màu, hết trên lộ dạo mua heo ông lại xuống ruộng, hết ở nhà, xuống cơ quan, ông lại ra đồng...
Táo bạo bước vào nghề xe khách
Với bản lĩnh của người lính, lại có chút vốn liếng, cộng cách nghĩ cách làm dần hé sáng, không chịu dừng lại những gì mới chớm có, ông Sáu Đài quyết định vay mượn đầu tư hơn 400 triệu đồng (gần 100 cây vàng hồi đó) để mua một chiếc xe khách chạy tuyến Mỹ Thọ - TP Quy Nhơn. “Thời ấy người dân muốn vào Quy Nhơn, học sinh muốn đi học xa chỉ bằng xe thồ lên thị trấn Phù Mỹ rồi mới đón chặng xe thứ hai đi tiếp, mà đâu phải xe thồ nhiều như bây giờ, muốn đi cũng phải tìm đỏ con mắt. Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân nên mình quyết định làm nghề xe khách và tin chắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế” - ông tâm sự.
Cái khó là làm sao huy động được một số vốn lớn để mua xe? Gom hết tài sản tích cóp được, rồi thế chấp đất vườn, cả nhà ở để vay ngân hàng, cũng chẳng thấm vào đâu. Ông gõ cửa người làm ăn kha khá trong xóm, trong thôn, cả những người quen biết qua mối quan hệ mua bán heo của mình, mới gom hơn 70 cây vàng. Và một thời gian ngắn không lâu sau đó, một chiếc xe mới coóng 45 chỗ hiệu Huyndai được ông mua về.
Hỏi về “kỹ năng mượn vàng” với số lượng lớn như vậy, ông cười chia sẻ: “Không phải tự nhiên người ta tin tưởng mà giao tiền, vàng cho mình, cái chính là họ thấy mình quyết tâm và chăm chỉ làm, với lại mình cũng có cơ sở, trước khi vay mượn mua xe mình cho thằng con trai đi học lái xe đàng hoàng, với lại lúc đó nhu cầu đi lại của bà con nhiều lắm”.
Hoạt động xe khách có hiệu quả, 3 năm sau, các khoản nợ vay mượn ông đã trả hết. Rồi lần lượt năm 2000, 2002, 2003, 2005, 2009 ông mua thêm xe, rồi lại đổi xe mới hơn cho tiện việc kinh doanh. Từ các xe 35 - 45 chỗ ngồi, hiện nay ông đổi hết về xe 16 chỗ và chạy hai chuyến cố định là Mỹ Thọ - Quy Nhơn và Mỹ Thọ - Kon Tum. Và đến giờ ông đã dìu dắt 4 người con trai của mình đi theo nghề này. Mới cách đây hai tháng ông đã tậu về một chiếc xe mới 16 chỗ ngồi để anh con trai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự về cầm lái.
Cứ 5 giờ sáng hàng ngày, 4 chiếc xe mang tên Sáu Đài (2 đi Quy Nhơn, 2 đi Kon Tum) xuất phát. Theo tính toán của ông, sau khi trừ hết chi phí còn thu lãi bình quân hơn 4 triệu đồng/ngày.
Nhiều năm gắn bó với nghiệp xe, nhưng chưa một lần ông ngồi sau tay lái. Thế nhưng mỗi ngày đi qua, ông là vị chỉ huy điều khiển từ xa những chiếc xe mang tên mình. Trước ông dùng điện thoại để điều chỉnh, nhắc nhở, giờ thông qua thiết bị định vị GPS (hộp đen) trên xe, ông quản lý, điều hành, nhắc nhở con cái và tài xế trên từng cây số.
Đặt thiết bị trên bàn và thao tác nhanh nhạy, chính xác, ông chỉ cho tôi xem hành trình, vận tốc của từng xe… để có những điều chỉnh hợp lý. “Già thì già thật nhưng cũng phải mày mò, học hỏi biết chút ít về công nghệ thông tin, để mà chỉ huy bọn nó; tụi trẻ không uốn nắn, không kiềm chế chặt thì dễ “hư bột, hư đường” - nói rồi ông cười sảng khoái.
Ngoài hoạt động xe khách, ông còn kinh doanh cà phê giải khát tại ngã tư Chánh Trạch (Mỹ Thọ). Mới đây, ông đã tậu thêm được ba thửa đất thổ cư liền kề, đang san lấp để xây dựng quán giải khát lớn hơn, để cho con cháu có việc làm ổn định.
Sẻ chia với cộng đồng
không quên những ngày tháng khó khăn, vất vả, ông thấu hiểu nỗi khốn khó của những người cơ cực, nên mấy chục năm qua, nhất là từ khi có “đồng ra đồng vào”, gia đình ông luôn lặng thầm giúp đỡ tiền bạc, vốn liếng cho những người nghèo khó khăn, thiếu vốn để họ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, “lo nóng” cho con cái họ chi phí học hành… Cùng với 4 người con trai của ông, 4 người tài xế được ông ký hợp đồng thường xuyên đều là cựu quân nhân trong xã. Mỗi tháng họ thu nhập bình quân trên dưới 7 triệu đồng. “Cũng rất mừng, mình quan tâm nó, các em nó cũng làm ăn chăm chỉ cố gắng vì mình, cho sự an toàn, hiệu quả từ mỗi chuyến đi, về”, ông nói.
Ngoài việc đóng góp các quỹ Hội Cựu chiến binh thôn, xã, đóng cho hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể trong các dịp lễ, Tết…, ông Sáu Đài còn quan tâm hỗ trợ đột xuất cho những gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn trong cuộc sống. Như mới đây thôi, vào đầu năm 2014 ông chi 9 triệu đồng tặng 30 suất quà cho các gia đình khó khăn ở Mỹ Thọ.
Chủ tịch hội cựu chiến binh xã Mỹ Thọ, ông Nguyễn Bá Thu, cho biết:“Ông Lê Việt Cường là một cựu chiến binh tiêu biểu, làm ăn giỏi, tham gia tích cực các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương; ông đã được tặng Giấy khen Cựu chiến binh tiêu biểu cấp huyện”.
Xuân Lộc - Thanh Trọn