Việt Nam chủ động đưa ra một nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sáng 23.12, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chính thức phát động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27.12 tại Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết số A/RES/75/27 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 07.12.2020.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và tác nhân liên quan khác tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh hàng năm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh.
Ngày 27.12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắcxin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.
Việc lần đầu tiên Việt Nam chủ động đưa ra một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và thúc đẩy thành công việc thông qua Nghị quyết là một bước triển khai cụ thể Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.
Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và trúng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thực chất vào công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác trên thế giới đã xảy ra hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai, nên nhận được sự ủng hộ rộng rãi với 107 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)