Nghệ nhân nhân dân Lê Thị Đào: Người đi, câu ca xưa gửi lại…
Trong cái lạnh mùa đông những ngày cuối năm, người ái mộ Bài chòi ngậm ngùi tiếc thương khi nghe tin Nghệ nhân nhân dân Lê Thị Đào - nghệ danh Minh Trạng qua đời. Từ nay, chúng ta phải biệt ly với một “viên ngọc quý” của Bài chòi dân gian Bình Định.
Người đi, câu hô hát xưa như còn vọng lại, những gì mà cụ Đào đã cống hiến, đã tận tâm vì loại hình nghệ thuật này sẽ mãi còn như cách mà cụ từng nói về Bài chòi, khi ấy cụ không còn cần đến sự minh mẫn thông thường nữa, lời cụ nói như tuôn ra từ trái tim mình…
Bài chòi ở trong tim
Tôi gặp cụ Đào khi bà đã 93 tuổi. Lúc đó, nhiều việc cụ đã lúc nhớ lúc quên, nhưng thấy người lạ vẫn thăm hỏi. Khi biết chúng tôi đến để thăm, để nghe bà hô Bài chòi, mắt bà như long lanh những hồi tưởng. Bà thăm hỏi từng người đã cùng bà chuyện trò về Bài chòi, đã cùng học cùng dạy. Có tên bà còn nhớ, cũng có nhiều cái tên bà đã nhầm. Nhưng khi bà diễn tả ra, chúng tôi vẫn có thể đoán đó là ai để nhắc bà. Rồi như mạch hồi ức đã ký sâu vào tim bà, bà kể thời con gái, thời bắt đầu ái mộ Bài chòi đến thời bà sống cùng loại hình nghệ thuật này. Cũng nhờ Bài chòi, bà gặp được ông bầu Minh Trạng, sau này là bạn đời của bà. Ông bầu Trạng tên thật là Nguyễn Trác, sinh năm 1911, cũng là một kép chính trong các vở Bài chòi cổ. Bà Đào mê gánh hát Minh Trạng, lại càng cảm tình giọng hát nam của ông bầu tài danh.
Cụ Lê Thị Đào hô hát bài chòi khi sinh thời.
Sau một chặp chuyện trò, bà Đào lọ mọ đi lấy song loan biểu diễn trích đoạn “Trai cày”. Bà thường hay thế. Khách đến nhà, chén trà ấm người quê, và đôi câu Bài chòi cổ đãi khách. Bà bảo: “Bài chòi giọng phải tốt, hô từng câu thai hay độc diễn một trích đoạn, câu hát, chữ nghĩa phải như từ trong bụng, trong tim mình chảy ra, Bài chòi có chảy trong máu mình thì khi hô hát người ta mới thấu cảm”.
Trò chuyện với bà, tôi mới thật sự hiểu thế nào là “Bài chòi chảy trong máu mình”. Suốt thời gian trò chuyện, bà dành phần lớn để biểu diễn bài chòi. Không còn nhớ nhiều trích đoạn, bà hô đi hô lại trích đoạn “Trai cày”. Đây là trích đoạn tôi đã xem trên youtube, khi còn cố NSƯT Phan Ngạn. Nhưng khi nghe trực tiếp bà thể hiện, mới thầm hiểu vì sao người mộ điệu lại dành nhiều cảm tình với bà đến thế.
Khi sinh thời, cụ Đào cùng con trai người đệm đàn, người hô hát.
Đôi lúc bà chợt quên, ông Nguyễn Văn Hòa, con trai bà ôm guitar dạo đôi khúc nhạc, ký ức về những câu thai, giai điệu như ùa về trong bà. Lúc hô Bài chòi, bà cứng cáp hẳn lên, đôi tay vỗ vào nhau thật chắc lấy nhịp. Cứ thế, con đệm, mẹ hô Bài chòi thật chậm, thật chắc. Giản dị mà đọng biết bao ân tình. Có khi mẹ con thảo luận về đoạn câu thai bà lỡ quên. Ông lấy đĩa ra mở lại, bà nhìn chính mình, chân bắt chéo, tay vỗ theo từng nhịp, câu ca ngân lên làm ấm lòng người xem.
Một đời với Bài chòi
Cụ Lê Thị Đào vốn quê ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Chừng mươi tuổi, bà theo học hát với thầy Bảy Xiêm trong vùng. Bà không biết chữ, chỉ nghe mà học thuộc lòng. Năm 14 tuổi, bà trốn gia đình theo gánh Bài chòi. Giọng tốt cộng với diễn tốt, bà chuyên vai đào. Niềm đam mê Bài chòi dân gian như sợi tơ hồng se mối tơ duyên giữa bà và ông bầu Minh Trạng. Từ đó hình thành cặp nghệ nhân Bài chòi cổ nổi tiếng: Lê Thị Đào - Minh Trạng gắn liền với những bổn tuồng Bài chòi cổ ăn khách lúc bấy giờ như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Tam hạ Nam Đường, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Lang Châu - Lý Ân...
Cụ Lê Thị Đào sinh ngày 2.5.1925. Tham gia làm hiệu chính trong hội bài chòi cổ trước năm 1975. Những năm 90 của thế kỷ XX, bà đã tham gia khôi phục hội đánh bài chòi (lúc đó là CLB bài chòi dân gian Bình Định) do NSƯT Phan Ngạn làm chủ nhiệm. Những năm đầu thế kỷ XXI, cụ thường đi biểu diễn bài chòi độc diễn nhiều nơi ngoài tỉnh dù tuổi đã cao.
Năm 2007, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian; năm 2015 bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; năm 2018 bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Đồng thời, bà còn được tỉnh tặng nhiều giải thưởng về giữ gìn và phát huy di sản bài chòi.
Trải qua bao niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời, bà vẫn một lòng với Bài chòi. Khi chồng mất, cái tên Minh Trạng mà người xưa hay gọi phụ nữ theo tên chồng trở thành nghệ danh gắn với nghiệp hô hát của nghệ nhân Lê Thị Đào đến hôm nay.
Những năm 90 của thế kỷ XX, bà gia nhập CLB bài chòi cổ dân gian Bình Định do cố NSƯT Phan Ngạn làm chủ nhiệm. Bà được xem như là một phát hiện đặc biệt, là một thứ vàng ròng không phô phang của Bài chòi dân gian. Cơ hội có vẻ đã chín muồi để bà thể hiện tình yêu với Bài chòi bằng việc truyền dạy Bài chòi cổ cho thế hệ sau. Ngay cả Nghệ nhân nhân dân Minh Đức cũng là học trò của bà.
Cũng bởi vì yêu cái nghệ hô hát nên khi đã yên bề gia thất bà vẫn muốn sống cùng loại hình nghệ thuật này. Không ít lần, bà trốn gia đình đi biểu diễn. Có khi dạt ra tận Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Văn Hòa, con trai bà Đào kể lại: “Hồi ấy má nói là về Tuy Phước thăm bà con. Ai dè má đi ra tận Lý Sơn để diễn bài chòi. Lúc má về lỉnh kỉnh những sản vật xứ đảo mà bà con nơi đó yêu mến đem tặng, bấy giờ cả nhà mới hay biết”. Những lúc ấy, người nhà sốt sắng, còn bà chỉ cười hiền queo: “Không cho tôi hát, khác gì trói tay trói chân tôi nhốt một chỗ”.
Mỗi người gặp NNND Lê Thị Đào đều có những ký ức riêng về bà. Riêng với chúng tôi, những người trẻ được gặp khi bà đã về tuổi xế muộn, lại càng thêm kính mến, càng thấm thía tình yêu mà bà - một nghệ sĩ thực thụ đã dành trọn tấm lòng, tâm huyết với Bài chòi.
V. PHI - T. KHUY