Quy tụ những trái tim yêu khoa học sự sống
Hội nghị sinh học là sự kiện nằm trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam thường niên, do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức, nhằm kết nối và xây dựng hợp tác giữa các nhà nghiên cứu lĩnh vực sinh học, khoa học sự sống.
GS.TS Lê Trần Bình báo cáo về tiến trình nghiên cứu và phát triển vắc xin cúm gia cầm ở Việt Nam. Ảnh: HỒNG HÀ
Sau 3 năm tổ chức, hội nghị phát triển cả về quy mô và chất lượng. Từ 30 người tham gia trong năm đầu tiên (2017); hội nghị lần thứ hai (2019) thu hút 130 người, với 30 bài thuyết trình; đến lần thứ ba (2020) có gần 290 người tham dự với 76 báo cáo nhiều chủ đề nghiên cứu khác nhau về khoa học sự sống. Điều đó cho thấy, các nhà nghiên cứu, trong đó không ít người trẻ ngày càng quan tâm nghiên cứu khoa học sự sống. Hội nghị sinh học cũng khẳng định được vai trò kết nối những trái tim yêu khoa học sự sống.
Điểm nhấn của hội nghị năm nay là việc thành lập Hội đồng Khoa học, gồm 11 giáo sư đầu ngành về lĩnh vực khoa học sự sống. Các báo cáo bắt kịp những vấn đề thời sự, tiệm cận với quốc tế.
GS.TS Lê Trần Bình, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam “làm nóng” không khí hội nghị bằng báo cáo mở đầu liên quan đến tiến trình nghiên cứu và phát triển vắc xin cúm gia cầm ở Việt Nam - vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu, sản xuất thành công. Ông cũng là thành viên nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam. Theo TS Nguyễn Văn Phượng, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị: “Vấn đề nghiên cứu vắc xin cúm gia cầm được nhiều nhà khoa học trẻ quan tâm, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Hy vọng trong tương lai không xa, từ hội nghị này sẽ có những sản phẩm khoa học có giá trị được hình thành, góp phần chủ động kiểm soát dịch Covid-19”.
Đến với hội nghị báo cáo về những thách thức và triển vọng trong nghiên cứu tài nguyên thực vật ở Việt Nam, TS Lưu Hồng Trường, Phó Chủ nhiệm Viện Sinh thái miền Nam, chia sẻ: Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật phong phú, nhưng các nghiên cứu về nguồn tài nguyên này chưa nhiều, đặc biệt nguồn thực vật tập trung trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết bài toán bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật cũng như phát triển các loài thực vật có lợi cho y học cần thiết hướng nghiên cứu đa ngành; đồng thời, số hóa các dữ liệu về thực vật học tạo ra nguồn dữ liệu lớn.
KHÁNH LINH