Lo vỡ quỹ BHYT, cắt giảm thuốc của bệnh nhân ung thư
Bộ Y tế vừa thông báo dự kiến sẽ loại bỏ 106 hoạt chất và 139 thuốc, trong đó có 19 loại thuốc ung thư, xương khớp. Lý do là lo ngại sẽ vỡ quỹ BHYT. Bệnh nhân ung thư nghèo sẽ mất cơ hội điều trị. Trong khi BHXH còn kết dư số tiền lớn.
Thuốc ung thư “ngốn” quá nhiều tiền
Trong danh sách 106 hoạt chất và 139 thuốc bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc được BHYT thanh toán có gần 20 thuốc điều trị ung thư, xương khớp... Những loại thuốc này đang được quỹ BHYT thanh toán 50 - 100%, nhưng dự kiến sẽ giảm chỉ còn 50% hoặc ngừng chi trả. Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - đưa ra lý do: Đây là những thuốc có chi phí lớn, từ vài trăm, thậm chí cả tỉ đồng/đợt điều trị.
Danh mục hiện hành có 13 thuốc được thanh toán 100%, nhưng do chi phí quá lớn đã bị đề nghị giảm xuống còn 50%, như: Erlotinib - điều trị ung thư phổi, chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng; Sorafenib - điều trị ung thư tế bào, chi phí 118 triệu đồng/tháng…Bà Hương còn cho biết, hiện danh mục thuốc BHYT chi trả có đến 57 thuốc điều trị ung thư, đủ đáp ứng yêu cầu điều trị thông thường. 19 thuốc bị loại khỏi danh mục hoặc giảm tỉ lệ chi trả đều là các thuốc mới, chi phí cao (từ 40 - 100 triệu đồng/tháng điều trị), nếu để quỹ BHYT chi trả 100% như trước sẽ khó đảm bảo cân đối quỹ.
Trước ý kiến lo ngại cắt giảm thuốc ung thư sẽ ảnh hưởng đến điều trị, bà Hương khẳng định, bên cạnh 19 thuốc bị loại hoặc giảm tỉ lệ chi trả, danh mục thuốc BHYT mới đã bổ sung 4 loại thuốc mới điều trị ung thư đại tràng, ung thư vú giai đoạn sớm, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, điều trị vẩy nến có chi phí điều trị lên tới 200 - 800 triệu đồng/năm, và quỹ BHYT chi trả 50% chi phí.
Ông Vũ Xuân Hiển - Trưởng ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) - cho biết thời gian qua, có những thuốc mà quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị sẽ ảnh hướng rất lớn đến an toàn quỹ BHYT.
Cơ quan BHXH có “thất hứa”?
Sau khi thông tin một số loại thuốc ung thư đắt tiền, đang được sử dụng khá rộng rãi, sẽ không được BHYT thanh toán hoặc chỉ thanh toán 50%, khiến cả người bệnh và thầy thuốc lo lắng. Bệnh nhân nghèo sẽ không thể chi trả, đồng nghĩa với việc phải bỏ dở điều trị. Các thầy thuốc sẽ phải thay đổi phác đồ điều trị và không biết hiệu quả sẽ ra sao. Với quyết định đột ngột này, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về sự “thất hứa” của cơ quan BHXH. Vào tháng 8.2012 khi giá viện phí mới chính thức được thực thi, cả Bộ Y tế lẫn BHXH Việt Nam đều khẳng định người bệnh có thẻ BHYT sẽ không phải bỏ thêm tiền túi để khám - chữa bệnh.
Trả lời báo giới, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) - khẳng định, việc tăng viện phí lần này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm, chính cơ quan BHXH đã tước đi quyền lợi của người bệnh. Liệu có lạnh lùng không, khi ông Vũ Xuân Hiển - Trưởng ban Dược - Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) - cho rằng, những thuốc ung thư mà quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị, nhưng bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống thêm 1-2 tháng. Vậy có nghĩa là, vì tốn quá nhiều tiền nên BHYT sẽ không chi trả, mà để bệnh nhân ung thư nghèo mau chết. Với gia đình người bệnh, với bệnh nhân ung thư được sống thêm 1 tuần, 1 tháng là cả một sự mong mỏi, lẽ nào tước đi của họ niềm hy vọng cuối cùng đó(!?).
Dư luận đang thắc mắc, vì sao quỹ BHYT đang kết dư với số tiền lớn lại lo vỡ quỹ BHYT? Nửa cuối năm 2012, nhiều bệnh viện thực hiện giá viện phí mới, quỹ BHYT vẫn kết dư khoảng 500 tỉ đồng. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2013, chi phí mà quỹ BHYT phải chi tăng thêm 2.250 tỉ đồng, ước tính cả năm 2013, gia tăng chi phí khoảng 5.300 tỉ đồng. Với mức gia tăng này, hiện có gần 30 tỉnh bị bội chi quỹ BHYT. Cơ quan BHXH đưa ra nhận định: Do kết dư quỹ còn khoảng 15.000 tỉ đồng nên một vài năm tới, quỹ BHYT vẫn còn gồng gánh được. Nhưng sau đó sẽ bước vào khủng hoảng nếu như không gia tăng được đối tượng tham gia BHYT và tăng cường công tác giám định để kiểm soát chi. Dự tính năm 2014, quỹ khám - chữa bệnh BHYT sẽ bội chi khoảng 9.800 tỉ đồng.
Với cách giải thích này, có thể hiểu do không gia tăng được số người tham gia BHYT nên phải hạn chế “đầu ra”. Nhưng xin nói rõ, việc không có thêm người tham gia BHYT là lỗi của cơ quan BHXH thì cớ gì những người đã đóng tiền mua BHYT, nhất là bệnh nhân ung thư – những người đang mang "án" tử hình - lại phải hứng hậu quả!?
. Theo Lao Động online