Sưu tập công cụ đồ đá cũ
Cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến khảo sát di tích Trường Lũy đoạn chạy qua thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn, Đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh Bình Định và một số chuyên gia nước ngoài đã phát hiện được một số công cụ đồ đá cũ, gồm: 2 chiếc rìu đá, 2 mảnh tước hình rìu, 2 mảnh tước thường, 1 hạch đá, 1 hòn ghè và 1 mảnh tước đa diện (ảnh).
Hai chiếc rìu đá được ghè phần lưỡi nhưng chỉ là những nhát ghè đơn giản, lưỡi rìu mấp mô, chưa tạo thành lưỡi thẳng. Tuy nhiên với mép lưỡi được tạo ra thông qua hành động ghè đá nguyên liệu, bước đầu người nguyên thủy đã tạo ra một công cụ có rìa mép nhỏ, sắc hơn; có thể sử dụng để chặt được những cây nhỏ, nạo vỏ cây, đập vỡ hạt và các loại nhuyễn thể trai, ốc… Những mảnh tước, hòn ghè cũng được làm ra với cách tương tự. Tất cả các hiện vật đá này đều được chế tác từ nguyên liệu đá phún xuất do hoạt động của núi lửa tạo nên, đá có màu đen nâu chứa nhiều ô xít sắt IV nên rất nặng và cứng. Loại đá này gần giống như là một loại quặng sắt có thể nấu chảy thành sắt có khá nhiều ở khu vực núi này.
Những công cụ này hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Theo nhận định sơ bộ của các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, những công cụ đồ đá này thuộc thời sơ kỳ đá cũ có niên đại khoảng 4 vạn - 7 vạn năm. Đặc trưng của thời đồ đá cũ là việc sử dụng các công cụ bằng đá được ghè đẽo rất phổ biến, mặc dù người nguyên thủy vào thời gian đó cũng sử dụng các công cụ bằng gỗ và xương.
Với việc phát hiện được những công cụ đồ đá cũ tại La Vuông bước đầu cho phép các nhà khoa học nhận định rằng trên mảnh đất Bình Định thời xa xưa đã có người nguyên thủy sinh sống.
NGUYỄN VIẾT TUẤN