Tết Nguyên đán 2021 sẽ cấm chơi đào rừng
Vận chuyển, mua bán, sử dụng cành đào rừng dưới mọi hình thức đều bị coi là vi phạm. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết.
“Cần cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết” – người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này có nghĩa, Tết nguyên đán năm 2021 rất có thể (chắc chắn) sẽ không được chơi đào rừng. Một quyết định khó khăn nhưng cần thiết lúc này, nhất là khi tình trạng chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng núp bóng dưới nhiều hình thức.
Khoảng 15-20 năm trước có mấy người ở miền xuôi thích chơi đào rừng vào dịp Tết đâu. Tết của người dân đồng bằng sông Hồng là những cành bích đào đỏ thẫm mua ở những làng trồng đào ven Hồ Tây. Thậm chí, nhiều người dân các tỉnh miền núi “chịu chơi” còn mang đào bích từ Hà Nội về chưng tết. Nhưng vài năm trở lại đây tình hình đã khác. Người dưới xuôi ùn ùn lên các tỉnh miền núi chặt cành đào, thậm chí là cả một cây đào rừng mang về chơi tết. Người ta thể hiện độ sang, độ chịu chơi bằng việc sở hữu những cây đào, cành đào càng cổ càng quý, càng hiếm lạ càng đắt tiền. Nhiều người lo lắng, với tốc độ đốn hạ đào như thời gian qua, chẳng mấy lúc đào rừng sẽ tận diệt.
Nhiều người băn khoăn, nếu cấm chặt đào rừng để bán thì ảnh hưởng đến sinh kế của những người bán đào? Xin đừng quá lo lắng. Còn nhớ, khi Chính phủ cấm đốt pháo từ những năm 1990, nhiều người cũng lo cho làng pháo Bình Đà (Hà Tây cũ), người dân sẽ không còn nghề để sống. Thế nhưng, ngay sau đó người dân làng làm pháo đã tìm ra hướng đi cho mình. Điều hạnh phúc là hàng năm nhiều gia đình không còn phải chứng kiến những cái chết đau lòng hay những thương tật đau đớn vì pháo.
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, không thể so sánh người dân ở Bình Đà với những đồng bào sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa được. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sinh kế của người dân trông chờ vào rừng nhưng không có nghĩa chỉ chặt cành đào mang đi bán mới có tiền, mới tạo được sinh kế. Bởi thực tế những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. Đó chính là một lợi thế để chính quyền và người dân bản địa tận dụng phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch.
Ai vận chuyển đào rừng là vi phạm, ai mua đào rừng cũng vi phạm. Đó là mệnh lệnh để từ những hành động nhỏ có thể cứu những cánh rừng lớn.
Theo An Nhi (VOV.VN)