Đóng cửa các nhà hàng giết mổ chó mèo: Đừng chỉ là lời kêu gọi
Giết mổ chó, mèo được khuyến cáo là hành vi thiếu văn minh, thậm chí là vô nhân đạo, vi phạm các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
Người Việt ta thường có câu “đầu năm ăn thịt chó, cuối năm ăn thịt mèo” và quả thực thịt chó, mèo đã trở thành một đặc sản của nhiều người Việt lâu nay.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, việc giết mổ chó, mèo đã được khuyến cáo là hành vi thiếu văn minh, thậm chí là vô nhân đạo, vi phạm các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
Bà Ninh Thị Phương Thảo - Cán bộ tư vấn động vật đi lạc, Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu trao đổi trực tiếp tại phòng thu VOV2.
Mới đây, Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) đã lần đầu tiên thành công trong việc đóng cửa nhà hàng thịt mèo và lò giết mổ ở Thái Bình, giải cứu 25 cá thể chó, mèo đang chờ giết thịt.
Để vận động chủ các nhà hàng này, FOUR PAWS đã phải vận động trong một thời gian dài. Theo bà Ninh Thị Phương Thảo, cán bộ tư vấn động vật đi lạc, tổ chức FOUR PAWS thì việc đóng cửa các nhà hàng giết mổ chó mèo khó nhưng cần, vì giết mổ chó, mèo không chỉ là hành động vô cùng tàn ác mà còn vi phạm các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, việc nhập khẩu chó, mèo rất dễ mang đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như là bệnh dại, bệnh tả hay bệnh giun xoắn.
Thịt chó, mèo lâu nay được coi là đặc sản ở nhiều địa phương, để thay đổi thói quen này là điều không dễ. Thêm vào đó, nguồn lợi từ việc kinh doanh này đem lại không hề nhỏ. Chính vì thế, theo bà Ninh Thị Phương Thảo, để có được sự hợp tác, đồng thuận từ phía các nhà hàng thì cần phải có giải pháp cụ thể cũng như những sự hỗ trợ thích đáng.
Không ít quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc nghiêm cấm giết mổ chó, mèo. Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn làm được nếu có sự chung tay của cả cộng đồng, của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể.
25 cá thể chó mèo được giải cứu tại thành phố Thái Bình ngày 15.12 vừa qua.
Tuy nhiên, cũng theo bà Ninh Thị Phương Thảo thì ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Khi bản thân mỗi người đều nhận thức được rằng việc giết mổ chó, mèo là hành vi thiếu nhân văn và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì chắc chắn sẽ thay đổi những thói quen trong sinh hoạt. Và khi đó, việc không giết mổ chó mèo sẽ thành tự giác.
Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn ác ở Đông Nam Á, FOUR PAWS đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Hơn một triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo, trong đó có hơn 180.000 người Việt Nam.
Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc vận động dài hơi, cần tới sự chung tay của cả cộng đồng.
Theo Ngọc Hà (VOV2)