Chi phí bảo hiểm y tế có thể “tăng hàng nghìn tỷ đồng khi thông tuyến”
Dự báo được đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra khi bệnh nhân điều trị trái tuyến tại bệnh viện tỉnh sẽ được chi trả toàn bộ chi phí nội trú từ 1.1.2021.
Quy định áp dụng với bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thành phố, không áp dụng với tuyến Trung ương. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trả lời phỏng vấn VnExpress về những tác động khi chính sách có hiệu lực từ đầu năm sau.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Duy Nguyễn
* Ông nhận định chính sách sẽ tác động thế nào đến việc khám chữa bệnh của người dân?
- Từ năm 2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh không đúng tuyến - nghĩa là không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, không có giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nếu được chỉ định và điều trị nội trú, thì chi phí sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó. Hiện hành, quỹ chỉ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú.
Chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Ví dụ người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát hành, lên TP HCM làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến khám chữa tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây. Người bệnh không mất công đi về. Trước đây, điều trị nội trú hay ngoại trú đều phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên.
Các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ bệnh nhân, không để họ đổ đến thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị. Chất lượng khám chữa bệnh nâng lên, người bệnh được hưởng.
Cơ sở khám chữa tuyến tỉnh sẽ đón thêm nguồn bệnh nhân lớn và chủ động trong việc chỉ định điều trị cho người bệnh. Trước đây khi phải chi trả 40% chi phí điều trị nội trú, bệnh nhân không có kinh tế chưa chắc đã chấp nhận dù có chỉ định từ bác sĩ. Họ có thể từ chối và quay về bệnh viện tuyến huyện chữa bệnh.
* Ngược lại đâu là những tác động không mong muốn, thưa ông?
- Rất nhiều tác động. Các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng trong khi nhân lực, vật lực đang thiếu. Có thể xảy ra xu hướng chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú cũng đưa vào. Điều này dễ dẫn đến quá tải giường bệnh, gây khó khăn cho sinh hoạt của bệnh nhân.
Xu thế của thế giới là tăng cường điều trị ngoại trú hoặc từ tuyến dưới, chăm sóc sức khỏe ban đầu chứ không phải tập trung vào điều trị nội trú. Việt Nam thì ngược lại. Tỷ trọng điều trị nội trú hiện nay hơn 60%, ngoại trú chỉ khoảng 30%. Vài năm trước, tỷ lệ này là 50/50. Một bệnh nhân nội trú, kèm theo người nhà thăm nom, chăm sóc, những chi phí khác của xã hội cũng sẽ tăng theo.
Bệnh viện tỉnh để đáp ứng việc khám chữa khi lượng bệnh nhân tăng cao, có thể thu hút nhân viên y tế từ huyện, xã về. Điều này dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng số lượng nhân viên y tế tuyến dưới với tuyến trên, càng tạo nên sự chênh lệch chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở y tế các tuyến.
* Chi phí y tế sẽ gia tăng, gây áp lực lên Quỹ BHYT ra sao?
- Dự báo lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng, đương nhiên chi phí chi trả của Quỹ BHYT cũng sẽ gia tăng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán dựa trên số liệu bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến trong năm 2020. Chi trả 60% chi phí điều trị nội trú cho hơn một triệu bệnh nhân vượt tuyến, số tiền đã là 1.250 tỷ đồng. Với số lượng bệnh nhân đó mà trả toàn bộ chi phí điều trị nội trú từ năm sau thì chi phí BHYT dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 2.000 tỷ đồng. Chắc chắn số lượng bệnh nhân điều trị vượt tuyến còn gia tăng chứ không dừng lại ở con số đó. Trong khi Quỹ BHYT dự phòng chỉ đáp ứng chi trả đến hết năm 2021.
Mỗi tỉnh đều được cơ quan BHXH giao mức dự toán khám chữa bệnh bằng BHYT hàng năm. Việc tính mức dự toán trong năm nay sẽ khó khăn khi mà chưa dự đoán được lượng bệnh nhân nội trú vượt tuyến là bao nhiêu.
* Các cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn bị những gì để hạn chế chính sách bị lạm dụng?
- Ngành y tế trước mắt phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên. Tâm lý người bệnh luôn muốn lên tuyến trên cho yên tâm, nhưng chỉ định điều trị lại là quyền của bác sĩ. Bệnh nhân thực sự cần điều trị nội trú thì chỉ định nội trú. Nếu bệnh có thể điều trị ở tuyến huyện, xã cũng nên nói rõ, không nhất thiết phải lên tuyến trên. Bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát lại số giường bệnh, việc kê thêm giường có đúng quy định hay không, bởi có bệnh viện kê thêm hàng nghìn giường.
Bộ Y tế cũng phải có chính sách hạn chế bệnh nhân từ tuyến dưới dồn lên tuyến trên. Đồng thời truyền thông cho người dân biết chất lượng y tế tuyến dưới đã dần được cải thiện, không thể nghe thông tuyến là đổ về Hà Nội, TP HCM hay các thành phố lớn để khám chữa.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan quản lý Quỹ BHYT sẽ giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo người bệnh, thu hút để đưa vào điều trị nội trú.
Chính sách đi vào thực tiễn một thời gian, sẽ có những báo cáo đánh giá, kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp nếu gặp vướng mắc. Nếu chi phí BHYT chi trả cho điều trị nội trú vượt tuyến tăng cao, có thể đề xuất về một lộ trình tăng mức đóng BHYT sau năm 2021 để bù đắp phần thiếu hụt. Bởi từ năm 2010 đến nay, mức đóng BHYT vẫn đang là 4,5% trong khi luật quy định tối đa 6%, nên vẫn còn những dư địa để tăng.
Theo Hoàng Phương (VnExpress)