Phát hiện mới ở tháp Hòn Chuông
Ðầu thế kỷ XX, đặc biệt quan tâm đến các kiến trúc đền tháp Champa, các nhà khoa học người Pháp đã điền dã, thống kê, khảo tả rất chi tiết, công phu về loại hình kiến trúc này, kể cả một số công trình vốn chỉ còn là phế tích, tàn tích. Nhưng trong toàn bộ các danh mục, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp, tuyệt đối không có tháp Hòn Chuông ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát.
Toàn cảnh tháp Hòn Chuông.
Bình Định vốn là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa trong vòng 5 thế kỷ (998 - 1471), thế nên không có gì lạ khi di sản văn hóa Champa lại phân bố đậm đặc trên vùng đất này, nhất là các kiến trúc đền tháp. Do chiến tranh liên miên, mãi đến sau năm 1975, các nhà khoa học người Việt mới chính thức tổ chức nghiên cứu một cách bài bản các giá trị, công trình lịch sử, văn hóa Champa.
Tại Bình Định, năm 1986 Bảo tàng tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bảo tàng tỉnh Bình Định) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khảo sát, thống kê, nghiên cứu về các đền tháp và phế tích tháp Champa trên vùng đất này. Dựa trên tài liệu nghiên cứu của các học giả người Pháp và những đợt khảo sát sau này, các nhà khoa học đều nhận định: Bình Định có 7 cụm tháp, đó là: Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Phú Lốc, Tháp Đôi, Dương Long.
Đến năm 1993, trong đợt khảo sát, lập hồ sơ di tích Núi Bà - khu căn cứ tiền phương của Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, theo thông tin từ nhiều người dân địa phương, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khảo sát và phát hiện một kiến trúc hình tháp nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, người dân địa phương quen gọi là Hòn Chuông (vì hòn đá có hình dáng giống như một cái chuông), thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài. Cho đến khi ấy, chưa thấy có tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này.
Tháp tọa lạc ở vị trí cao khoảng 800 m so với mực nước biển, không có chỉ dấu về đường dẫn từ chân tảng đá lên tháp. Khảo sát dưới nền đất, vị trí xung quanh chân tảng đá, phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá, mảnh trang trí có hình dáng giống sừng bò - một loại vật liệu kiến trúc đặc trưng được sử dụng trong các đền tháp Champa. Bước đầu xác định, đây là một kiến trúc tháp, lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông. Như vậy từ năm 1993, danh mục tháp Champa tại Bình Định nhiều thêm 1, thành 8 cụm cả thảy. Năm 2014, tháp Hòn Chuông được đưa vào hệ thống tra cứu trên website bản đồ khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Góc Tây Bắc tháp Hòn Chuông.
Năm 2020, với mục đích làm rõ về kiến trúc, vai trò của tháp Hòn Chuông, Bảo tàng tỉnh Bình Định tiến hành điều tra, khảo sát, thăm dò nghiên cứu địa điểm tháp Hòn Chuông. Đi men theo hông sườn núi và lối mòn để lại của những người đốt than, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ từ điểm xuất phát là xã Cát Tài, đoàn khảo sát mới đến được chân của tảng đá mà tháp Hòn Chuông tọa lạc. Từ chân tảng đá lên đến tháp khoảng 200 m.
Từ vị trí tháp Hòn Chuông có thể nhìn thấy được cả một vùng rộng lớn, phía Đông là đường biển trải dài từ khu vực đầm Đề Gi đến đầm Thị Nại, phía Bắc và Nam nhìn thấy cả khu vực đồng bằng sông Côn và sông Latinh - hai đồng bằng lớn của Bình Định.
Sử dụng flycamera để quan sát, tháp Hòn Chuông hiện ra với một số chi tiết rất đặc biệt. Nếu các đền tháp Champa khác thường có tường tháp xây thẳng, có hệ thống cửa giả và bộ vòm mái ở cửa chính, trên các tầng tháp có họa tiết trang trí; thì ở tháp Hòn Chuông tường tháp lại được xây vát nghiêng vào trong, chân tháp choãi, thân thóp dần từ đáy lên đỉnh tháp; không có hệ thống cửa giả và hoàn toàn không trang trí hoa văn. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m.
Tháp đã bị sụp đổ phần mái, cây cối mọc um tùm bao phủ; mặt phía Tây tháp bị sụp đổ khá nhiều; mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài; mặt tường còn nguyên vẹn nhất của ngôi tháp là mặt phía Đông; chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp. Khảo sát cho thấy lớp gạch ngoài được xây kiểu khớp mí, các lớp gạch trong xây kiểu so le câu móc vào nhau. Đây là kỹ thuật phổ biến trong xây dựng đền tháp của người Champa xưa.
Với những điểm khác biệt của ngôi tháp Hòn Chuông so với các ngôi tháp Champa khác, từ hình dáng đến vị trí xây dựng, có thể tin rằng tháp Hòn Chuông không mang ý nghĩa, chức năng tôn giáo, mà có tính chất như một đài viễn thám, một trạm canh gác quân sự cho kinh đô Vijaya. Và tính đến thời điểm hiện tại, tháp Hòn Chuông cũng là ngôi tháp Champa duy nhất còn tồn tại cho thấy chức năng về quân sự rõ ràng hơn cả. Xem xét về niên đại, căn cứ vào loại hình kiến trúc, vật liệu kiến trúc tìm thấy xung quanh tháp, rất khó xác định niên đại ngôi tháp này. Tuy nhiên, dựa vào những cứ liệu lịch sử, có thể ước đoán tháp Hòn Chuông nằm trong khung niên đại sau thế kỷ XI.
Để góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa Champa nói chung, hy vọng tới đây các nhà khoa học, nghiên cứu sẽ đặt tháp Hòn Chuông trong góc quan sát, khảo tả của mình kỹ hơn.
Bài, ảnh: THÙY TRANG - NHƯ KHOA