Rủ nhau “ba sạch”
Nắm bắt nhu cầu xã hội và hưởng ứng lời tuyên truyền, vận động của các cấp hội phụ nữ về thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, phụ nữ trong tỉnh đang tích cực tham gia, nỗ lực hài hòa giữa phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường.
Cán bộ phụ nữ xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) tìm hiểu, học tập phương pháp trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ tại Yuuki Farm của anh Trịnh Hưng Công (ngoài cùng bên trái) - một thanh niên khởi nghiệp trồng rau sạch ở địa phương.
Chị Đinh Thị Lệ Huyền, ở KV Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn là phụ nữ duy nhất trong số 28 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2019. Là trưởng nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn và là nhà cung cấp địa bàn An Nhơn của thương hiệu rau an toàn Lá Lành thuộc dự án Rau an toàn Bình Định (do Chính phủ New Zealand tài trợ, triển khai tại 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh), chị Huyền còn để lại ấn tượng đẹp bởi những trăn trở về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Chồng chị Huyền - anh Lê Văn Hùng, cho hay, cả hai vợ chồng đều là nông dân “nòi”, nhưng sau hơn nửa đời người theo nghiệp nông, 10 năm trước, họ đã quyết định chia tay ruộng đồng như một cách tự ngăn mình khỏi thực trạng canh tác theo lối lạm dụng phân, thuốc hóa học. Chuyển sang nghề chạy xe dịch vụ, công việc đỡ vất vả tay chân và thu nhập cao hơn, song nỗi nhớ mùa màng luôn canh cánh. May mắn, vài năm nay có thể trở lại với việc trực tiếp sản xuất, cung ứng rau, trái an toàn thuộc một dự án lớn, vợ chồng họ được thỏa chí hướng gắn bó, làm giàu trên đất đai quê hương.
Nhóm chị Huyền có 38 thành viên, đa số là phụ nữ địa phương, trồng rau theo phương pháp hữu cơ trên tổng diện tích 4 ha. Trung bình mỗi tháng, nhóm của chị đảm bảo cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ khoảng 4 tấn rau, trái các loại, thu nhập mỗi thành viên ổn định từ 7 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm ở vai trò “đầu tàu”, nữ trưởng nhóm khẳng định: Nếu chịu khó học hỏi, áp dụng KHKT, kết hợp kinh nghiệm, biết cách sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu bọ gây hại thì sản xuất rau sạch không quá khó mà vẫn hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, theo chị Huyền, cái được lớn hơn nữa là cảm giác an tâm, hạnh phúc khi gắn bó với công việc. “Không còn nỗi ám ảnh khi phải đầm mình với thuốc, phân hóa học trong chăm bón mỗi ngày, do vậy thành quả lao động ý nghĩa hơn. Mong sao nhiều bà con nông dân nâng cao nhận thức và được tạo điều kiện để chuyển đổi qua lối canh tác an toàn, trước hết vì sức khỏe chính người dân mình”, chị Huyền bộc bạch.
Chị Mai Thị Hương đóng chai nước mắm thủy tinh.
Hưởng ứng việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trong sản xuất, kinh doanh, từ tháng 10.2020, sản phẩm nước mắm và các loại mắm hải sản nhãn hiệu Hương Thanh (Nhơn Lý, Quy Nhơn) đã được chuyển sang đóng bằng chai, lọ thủy tinh. Theo chủ cơ sở, chị Mai Thị Hương, là nghề thủ công truyền thống bao đời nay của người dân địa phương, điều làm nên “tiếng thơm” cho nước mắm Nhơn Lý là không sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm, nước mắm có vị đậm đà, ngọt thanh tự nhiên, không bị biến màu trong quá trình sử dụng (sản phẩm đã đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm). “Từ năm 2015, khi được tin tưởng giao là tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất nước mắm Nhơn Lý đến nay là giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh hải sản Hương Thanh đều gắn với vai trò xúc tiến thành lập, hỗ trợ hoạt động của Hội LHPN tỉnh, tôi càng ý thức, cố gắng đảm bảo sản xuất chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đầu tư chuyển đổi sang đóng chai thủy tinh trong khi vẫn giữ giá bán, chưa được số đông khách hàng ủng hộ vì ngại dễ vỡ, nặng nề, tuy nhiên tôi chấp nhận kiên trì, nỗ lực vì lợi ích chung”, chị Hương chia sẻ.
Có thể thấy, chiếm trên 50% dân số, phụ nữ được xem là lực lượng tham gia vào mọi khâu có liên quan đến thực phẩm, từ sản xuất, chế biến cho đến kinh doanh, tiêu dùng. Vì vậy, nhận thức và hành động của phụ nữ về an toàn thực phẩm có ảnh hưởng quan trọng tới những thay đổi trong gia đình và ngoài cộng đồng.
Những năm gần đây, các cấp hội phụ nữ đã và đang tăng cường truyền thông về vấn đề này, nhất là triển khai nhiều chương trình vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm như thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình “3 sạch”, khuyến khích và có chính sách ưu tiên đối với khởi nghiệp về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Bước đầu cho thấy nhận thức của hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung chuyển biến tích cực. Đặc biệt, gắn vận động “Sản xuất sạch” với triển khai đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, 3 năm qua (2018 - 2020), trong tổng số 535 chị được hỗ trợ có đến một nửa chọn khởi nghiệp về thực phẩm an toàn, góp phần làm cho các mặt hàng thực phẩm sạch “made in Bình Định” ngày càng phong phú trên thị trường.
Bài, ảnh: SAO LY