Vượt khó khăn tạo việc làm cho người lao động
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến trung tuần tháng 12.2020, tăng trưởng kinh tế cùng với các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ đã góp phần giải quyết việc làm cho 21.545 lao động, đạt 71,8% kế hoạch.
Nỗ lực tạo việc làm
Năm 2020, các huyện, thị, thành đã phê duyệt 6.837 dự án với tổng số tiền cho vay là 308,945 triệu đồng; qua đó, giải quyết việc làm cho 9.423 lao động (tăng 4,09 lần so với cùng kỳ). Trước tác động của đại dịch Covid-19, công tác cho vay xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng, các ngành và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn chương trình cho vay này (từ nguồn vốn địa phương) sang cho vay giải quyết việc làm trong nước. Sự linh hoạt, chủ động của các ngành, đơn vị giúp tăng vốn vay tín dụng ưu đãi cho các hộ sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cơ sở bó chổi của chị Phan Thị Hiền (TP Quy Nhơn) là một trong những hộ được vay vốn giải quyết việc làm trong giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19.
Vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm để nhập 1,5 tấn đót phục vụ cho việc sản xuất chổi đót, tạo việc làm cho 10 lao động nữ tại cơ sở của mình, chị Phan Thị Hiền (43 tuổi, tổ 5, KV 1, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), cho biết: “Số tiền vay đã giải quyết được một phần khó khăn trong lúc cơ sở của tôi thiếu vốn nhập nguyên liệu do bạn hàng mua chổi xuất khẩu chậm tiền hàng vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhờ đó, tôi mạnh dạn nhận các đơn hàng tiếp theo, chuẩn bị cho phục vụ Tết”.
Ngành LÐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành liên quan nắm bắt tình hình lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp. Tính đến nay, số lao động là người nước ngoài có giấy phép lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh là 111 lao động. Sở LÐ-TB&XH đã cấp mới và cấp lại 40 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 21.600 lượt người; cung ứng và giới thiệu việc làm cho 1.650 người. Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lao động ở 3 huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Đến thời điểm hiện tại, đã có 435 lao động tham gia xuất khẩu lao động, đạt 54,4% so với kế hoạch. Trong đó, thị trường chất lượng như Nhật Bản có 415 người tham gia, chiếm 95,4%; thị trường Hàn Quốc có 3 người, thị trường Đài Loan có 10 lao động; các thị trường khác 7 lao động.
Các chính sách hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, chi phí làm thủ tục được ngành LĐ-TB&XH và các địa phương, các DN có chức năng xuất khẩu lao động triển khai tích cực. Đã có 156 lao động vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh với tổng số tiền trên 12,4 tỷ đồng. 68 lao động được hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, chi phí làm các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền 287,85 triệu đồng.
Đảm bảo chỉ tiêu người lao động đã qua đào tạo
Đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề là nhiệm vụ quan trọng, giúp tăng năng lực cạnh tranh của lao động trong tỉnh. Nghị quyết HĐND tỉnh giao tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đến năm 2020 đạt 56%. Kết quả, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 56,002%.
Giai đoạn 2010 - 2015, đã đào tạo nghề cho 24.181 lao động nông thôn, đạt 129,4% so với kế hoạch. Giai đoạn 2016 - 2020, đã đào tạo nghề cho gần 18.000 lao động, đạt 102,5% so với kế hoạch. Nhiều mô hình đào tạo kết hợp với giải quyết việc làm đã hình thành. Có thể kể đến các mô hình nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, sản xuất mây tre đan, kỹ thuật hàn, mộc dân dụng, may công nghiệp, điêu khắc gỗ, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng và nhân giống nấm....
Chia sẻ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phù Cát cho thấy, các nhóm dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn Minh Tẩn, Mười Chí (xã Cát Hiệp), Quê Hương (xã Cát Tài), Thanh Ngân (xã Cát Lâm), Xuân Tỳ, Kim Xuyến (xã Cát Thắng)... đều có học viên đã qua đào tạo tại lớp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn dành cho lao động nông thôn. Loại hình dịch vụ này góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/tháng đối với các chủ dịch vụ và khoảng 4 triệu đồng/tháng đối với nhân viên, nhất là lao động nữ.
Tại huyện miền núi An Lão, bà Trần Thị Định, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: “Các lớp nghề cho lao động nông thôn người đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đẩy mạnh, luôn chiếm tỷ lệ trên 50%. Đơn cử như năm 2019, có 140 lao động đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số 245 lao động được đào tạo nghề. Năm 2020, con số lao động dân tộc thiểu số là 210/333 lao động đào tạo nghề. Các nghề chính là phòng trị bệnh cho trâu bò, nuôi heo rừng, may công nghiệp, kỹ thuật trồng cây có múi… Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con từng bước nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững”.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI