Ðảm bảo an toàn giao thông hầm đường bộ Cù Mông
Qua gần 2 năm đưa vào vận hành, khai thác hầm đường bộ Cù Mông, nhờ thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên công trình đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.
Các phương tiện lưu thông qua hầm Cù Mông.
Hầm đường bộ Cù Mông nằm trên QL 1 ranh giới giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên, có chiều dài 2,6 km, hệ thống đường dẫn vào hầm hơn 4 km. Đây là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng đối với việc di chuyển và trao đổi hàng hóa từ Bắc vào Nam. Hầm chính thức thông xe vào đầu năm 2019, giúp các phương tiện ô tô vận chuyển hành khách, hàng hóa tránh lưu thông trên cung đường đèo nguy hiểm, thời gian qua hầm được rút ngắn chỉ còn 6 phút. Trong gần 2 năm qua, theo ước tính đã có 2 triệu lượt ô tô qua lại hầm an toàn, không xảy ra trường hợp TNGT đáng tiếc nào.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm đường bộ Cù Mông thuộc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, cho biết: Để đảm bảo sẵn sàng ứng phó xử lý nhanh các tình huống nguy hiểm xảy ra trong lòng hầm, đơn vị đã trang bị những phương tiện kỹ thuật PCCC&CNCH hiện đại nhất, hoạt động 24/24 giờ. Cùng với đó là đội ngũ nhân lực có kỹ năng ứng cứu các sự cố trong mọi tình huống.
Để công tác PCCC&CNCH trong hầm Cù Mông được an toàn, chủ đầu tư hầm đã trang bị 2 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương, 1 xe cứu hộ, 1 xe tiếp nước 18 m3… Ngoài ra, trong hầm còn trang bị 58 hốc kỹ thuật với các thiết bị bình chữa cháy, vòi nước, trụ nước chữa cháy, điện thoại SOS, thiết bị bảo hộ cá nhân, 6 ngách thoát hiểm, 103 đầu báo lửa tự động… Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, tai nạn trong hầm, hệ thống sẽ tự động phát tín hiệu báo về Trung tâm vận hành để đơn vị có biện pháp ứng phó kịp thời. Nhân lực thường trực PCCC&CNCH trong hầm luôn thường trực 24/24 giờ, được chia làm 3 ca 4 kíp, mỗi kíp 11 người, sẵn sàng ứng phó các sự cố xảy ra với phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”.
Ông Nguyễn Văn Lý cho hay: “Xí nghiệp luôn coi việc túc trực và sẵn sàng ứng cứu trong công tác PCCC&CNCH của lực lượng tại chỗ trong hầm là hết sức quan trọng. Lực lượng chuyên trách được đào tạo bài bản về PCCC&CNCH, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Hằng năm, đơn vị đều phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định, Phú Yên và chính quyền địa phương tổ chức diễn tập PCCC&CNCH theo quy định. Ngày 23.12 vừa qua, đơn vị đã tổ chức thực tập phương án PCCC&CNCH cấp độ 3A với sự phối hợp nhiều lực lượng của tỉnh Bình Định và Phú Yên. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo ATGT trên tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia”.
Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn trong PCCC&CNCH tại hầm đường bộ Cù Mông, thượng tá Tạ Thanh Phong, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh, cho biết: Các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH tại hầm đường bộ Cù Mông được đầu tư rất hiện đại và chuyên nghiệp. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ PCCC&CNCH, các giải pháp thoát nạn, các phương pháp, biện pháp sơ cấp cứu người bị nạn ban đầu xảy ra trong hầm, hằng năm, đơn vị quản lý, khai thác hầm thực hiện rất nghiêm túc các phương án diễn tập. Nhờ vậy, qua gần 2 năm đi vào khai thác, trong hầm đường bộ Cù Mông và trên hệ thống đường dẫn vào hầm chưa xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào.
Theo ghi nhận, các tài xế điều khiển phương tiện giao thông qua lại hầm Cù Mông đều có chung đánh giá tốt về công tác PCCC&CNCH của đơn vị chủ đầu tư. Anh Trần Văn Thái, cư trú ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) - một tài xế xe tải chở hàng hóa Bắc Nam, cho hay: “Từ ngày hầm Cù Mông thông xe, tôi không lưu thông trên đường đèo mà chọn phương án qua hầm cho đảm bảo an toàn và rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng. Tôi thấy các trang thiết bị PCCC&CNCH trong hầm rất đảm bảo, hai bên cửa hầm thường xuyên có phương tiện và lực lượng túc trực, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Tôi rất yên tâm mỗi khi điều khiển xe lưu thông qua lại hầm Cù Mông!”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÂN