Những bài thơ mang vẻ đẹp của sắc hoa cúc quỳ
Hoa Cúc Quỳ là tập thơ của nhà giáo Đinh Khoa, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành tháng 12.2020.
Nhà giáo Đinh Khoa SN 1952, tại phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn. Anh nguyên là cựu sinh viên trường Sư phạm Quy Nhơn (khóa 1971 - 1973) và là giáo viên của một số trường THCS ở TP Quy Nhơn. Ngay từ thời còn là sinh viên Sư phạm Quy Nhơn, Đinh Khoa đã có thơ đăng trên tập san của trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có việc khá bận với “bảng đen, phấn trắng” nên giờ đây Đinh Khoa mới cho xuất bản tập thơ đầu tay…
Hoa Cúc Quỳ là tựa đề cùng tên của một bài in trong tập thơ của Đinh Khoa. Đồng thời, cúc quỳ cũng là loài hoa mang biểu tượng của tình yêu thủy chung và mang ý nghĩa thể hiện đức hy sinh, lòng kiêu hãnh, không bao giờ khuất phục trước gian khó của cuộc đời… Đó là lý do mà Đinh Khoa chọn và đặt tên Hoa Cúc Quỳ cho “đứa con đầu lòng” của mình.
Hãy xem Đinh Khoa giới thiệu về hoa cúc quỳ: “Con đường đất đỏ bụi mù/Cúc quỳ nở rộ bất kỳ thu đông/Hoa vàng vàng tận thinh không/Nắng vàng vàng tận mênh mông đất trời” (Hoa cúc quỳ). Đồng thời, hình ảnh, màu sắc của hoa cúc quỳ còn xuất hiện khá nhiều trong tập thơ đầu tay: “Hoa cúc quỳ/Đường trơn đất đỏ /Gốc thông già/Em đứng đó/Mưa bay/Tà áo trắng/Chiếc ô đen/Tinh khôi đợi chờ/Định mệnh…” (Chớm đông); hay “Nhụy nồng nàn tỏa hương/Đắng lòng thương nhớ thương/Chỉ còn trong nỗi nhớ/Vàng lay bay sân ngõ/Cay con mắt không ngờ” (Hoa quỳ vàng trong ngõ)…
Hoa Cúc Quỳ giới thiệu 100 bài thơ của Đinh Khoa, trong đó hầu hết là những bài thơ viết về quê hương, gia đình, trường lớp, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, nhất là những bài viết về mẹ và về vợ, con…
Đinh Khoa có khá nhiều bài thơ hay và cảm động viết về mẹ: “Trăng gác đầu non, à ơi…/Vẳng nghe tiếng mẹ một đời chịu thương/Đêm nay trong giấc miên trường/Chiêm bao thấy mẹ vẫn thường bên ta/Bây giờ bóng lặn ác tà/Hoàng hôn tắt nắng mờ xa bóng hình/Mẹ ơi? Ngọn nến lung linh/Bạc đầu nhớ mẹ thương mình xót xa” (Mẹ về). Hay là: “Bây giờ hạc chín tầng mây/Xương khô/Còn lại hao gầy tuyết sương/Má ơi/Thôi kiếp đoạn trường/Khổ/Đau/Cũng chỉ tầm thường mà thôi/Một lần thôi/Một lần thôi/Một lần rũ sạch nợ đời nhẹ tênh/Hết rồi/Vai gánh chênh vênh/Hết rồi/Bèo bọt lênh đênh phận người” (Thương má)…
Là một nhà giáo nên thơ của Đinh Khoa khá nhẹ nhàng, dung dị với lối thơ truyền thống và “đậm chất mô phạm”. Tuy nhiên, anh cũng có không ít bài thơ bộc lộ tư chất, khí phách của “đàn ông Đất Võ”, với lối viết tự do, phá cách, trong đó có kiểu “nhả chữ”, ngắt nhịp ở thể thơ lục - bát…
Theo đó, bên cạnh bài Thương má ở trên, bài Hoang mang sau đây là một ví dụ: “ngựa về/bờm vó tơi bời/hoàng hôn nhuộm máu bên trời hồng hoang/bờm tung/vó cất mệt nhoài/tìm hoài tro bụi lửa tàn khói mây/nát tan/đồng cỏ xéo giày/lang thang ngơ ngác giữa bầy phiêu du/cất lên/tiếng hí vang trời/thiên nhiên thảng thốt cõi đời trầm kha!”…
Đối với nhà giáo - “người thơ” Đinh Khoa, Hoa Cúc Quỳ chỉ là một ấn phẩm có tính chất kỷ niệm. Song, điều đáng ghi nhận là trong ấn phẩm này có khá nhiều bài thơ mang vẻ đẹp của sắc hoa cúc quỳ…
VIẾT HIỀN