Người "ảo" ngày càng phổ biến nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo
Nhìn lại một số điểm nhấn công nghệ trong năm 2020, tờ New York Times ngày 28.12, đã không thể không nhắc đến hiện tượng các công ty bán “người ảo” là có thật.
Chỉ cần vào website Generated.Photos, bất kỳ ai cũng có thể mua một gương mặt không hề có thật với giá chỉ 2,99 USD (70.000 đồng) hay mua sỉ 1.000 gương mặt giả khác nhau với giá 1.000 USD.
Các gương mặt ảo trên trang ThisPersonDoesNotExist.com.
Nếu bạn chỉ cần hai gương mặt giả (ví dụ để đóng vai chơi game hay để trang trí cho website công ty bạn có vẻ đa dạng, phong phú hơn) bạn có thể lấy miễn phí ảnh những người không hề có thật trong cuộc sống trên website ThisPersonDoesNotExist.com và hoàn toàn có thể tự chỉnh sửa hình ảnh cho phù hợp sở thích cá nhân của mình; còn nếu bạn muốn có hình ảnh theo kiểu hoạt hình thì có thể lấy trên website Rosebud.AI.
Theo New York Times, xu hướng người thật sử dụng gương mặt giả/nhân tạo ngày càng phổ biến dù rõ ràng việc sử dụng như vậy có mục đích không minh bạch. Ví dụ các điệp viên có thể sử dụng hình ảnh gương mặt giả hấp dẫn để thâm nhập vào cộng đồng phản gián; những kẻ tìm cách lạm dụng người khác trên mạng đánh lừa mục tiêu của mình bằng hình ảnh dễ mến, thân thiện.
Qua nghiên cứu, điều tra, báo New York Times khám phá ra rằng việc tạo ra các gương mặt giả khá dễ dàng với công nghệ trí tuệ nhân tạo, mỗi gương mặt giống như một thuật toán phức tạp với những giá trị có thể thay đổi - ví dụ khi hình mắt và cỡ mắt thay đổi thì cả gương mặt sẽ thay đổi.
New York Times cũng cho biết việc tạo ra các gương mặt nhân tạo trong mấy năm trở lại đây thực hiện được nhờ một loại công nghệ trí tuệ nhân tạo có tên là "generative adversarial network" (tạm dịch mạng lưới đối thủ hàng loạt). Có thể hiểu là khi bạn nhập dữ liệu một loạt ảnh của những người có thật, mạng lưới này sẽ nghiên cứu và sản xuất ra những gương mặt giả không thuộc về ai.
Với tốc độ tiến bộ của khoa học như hiện nay, New York Times dự báo rằng chẳng bao lâu nữa thế giới sẽ không chỉ có những hình ảnh người nhân tạo mà thậm chí trẻ con và thú cưng cũng có thể làm giả hết và sẽ rất khó có thể phân định ai là thật, ai chỉ là sản phẩm của công nghệ ở trên mạng trực tuyến.
Công nghệ này xuất hiện lần đầu vào năm 2014 và đến nay đã ở mức rất tiến bộ và phát triển. Giờ đây bạn có thể dùng hình ảnh mặt của mình để mở khóa điện thoại di động, tìm kiếm ảnh của mình trong số ảnh của hàng nghìn người khác nhau.
Các chương trình nhận diện khuôn mặt được các cơ quan thực thi luật pháp sử dụng để xác định và bắt giữ những kẻ tình nghi tội phạm và như vậy công nghệ này hứa hẹn những quyền lực phi thường cho con người, đó là khả năng tổ chức và vận hành thế giới theo cách thức mà trước đây không thể làm được.
Nhưng các thuật toán nhận diện khuôn mặt cũng không hoàn hảo, nhất là trong vấn đề nhận diện người da màu. Ví dụ, một người đàn ông da đen ở Detroit tên là Robert Williams đã bị bắt vì một tội danh mà ông không hề liên quan chỉ bởi vì công nghệ nhận diện khuôn mặt đã nhận dạng sai.
Không thể phủ nhận rằng thuật toán tinh vi của Google và Bing đã giúp chúng ta chọn lựa thông tin, Facebook giúp chúng ta lọc và cập nhật những thông tin chúng ta quan tâm và giờ đây khi nhiều nơi đã bắt đầu cho ra các sản phẩm ôtô không người lái thì rõ ràng thế giới đang đặt cược sự an toàn của con người vào các phần mềm công nghệ. Nhưng con người cần nhớ rằng công nghệ cũng có khiếm khuyết dù không ai mong muốn.
Theo Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)