HUYỆN VÂN CANH:
Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Vân Canh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp của Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân và đạt được những kết quả bước đầu.
UBND xã Canh Hiệp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép các vấn đề tảo hôn và HNCHT trong hội thi. Ảnh: VĂN LUẬN
Những tín hiệu tích cực
Theo bà Trần Thị Tiếng, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)” (gọi tắt là Đề án) huyện Vân Canh có 4 xã khu vực III được lựa chọn thực hiện Đề án là các xã Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên và Canh Thuận. Từ khi triển khai Đề án, nhiều xã đã có những cách làm hay, thiết thực nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, qua đó đạt được những kết quả bước đầu.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và HNCHT, như: Việc kết hôn trong đồng bào các DTTS vẫn dựa chủ yếu vào phong tục, tập quán cũ; phụ thuộc vào sự đồng ý của cha, mẹ và những người đứng đầu trong dòng họ. Tâm lý của đồng bào DTTS muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm, có người nối dõi và có thêm lao động để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi bố mẹ về già. Nhận thức và ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
Điển hình như tại làng Kà Bông, xã Canh Liên vấn đề tảo hôn được đưa vào hương ước và cả làng cùng quyết tâm thực hiện. Theo đó, nhà nào có con tảo hôn, làng sẽ phạt 1,5 triệu đồng/năm cho đến khi đủ tuổi kết hôn (ngoài ra, người vi phạm vẫn phải bị các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật). Với hình thức phạt này, làng mong muốn người vi phạm phải tự nhìn lại hành vi trái pháp luật của mình; đồng thời nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, bài trừ hủ tục, lạc hậu. Bên cạnh đó, hương ước làng Kà Bông còn cấm cán bộ, đảng viên tham gia tổ chức hôn lễ đám cưới tảo hôn, kêu gọi người dân thể hiện thông điệp phản đối, không thừa nhận thông qua việc không tham dự đám cưới. Nhờ vậy, trong những năm qua tại làng tình trạng tảo hôn đã có chiều hướng giảm và HNCHT đã được đẩy lùi.
Còn tại xã Canh Hiệp, từ năm 2019, Đảng ủy và UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm ngăn chặn giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn xã, phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; UBND xã phối hợp với MTTQ, CCB, CA xã tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật lồng ghép các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; ký bản cam kết giữa 258 hộ gia đình với ban quản lý thôn, làng không để xảy ra tình trạng tảo hôn và HNCHT… Nhờ nỗ lực tuyên truyền, năm 2019 toàn xã chỉ xảy ra 3 trường hợp tảo hôn và giảm nhiều so với các năm trước.
Ông Lê Xuân Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp cho biết: “Qua tăng cường công tác tuyên truyền, hầu hết người dân đều hiểu tác hại của việc tảo hôn và HNCHT, không những tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó, từ năm 2019, tại xã Canh Hiệp chỉ có vài trường hợp tảo hôn và không để xảy ra trường hợp nào về HNCHT”.
Quyết tâm đẩy lùi, xóa bỏ
Theo Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, từ năm 2015 trên địa bàn toàn huyện Vân Canh có 2.406 trường hợp tảo hôn. Nhờ nỗ lực tuyên truyền, năm 2018 toàn huyện chỉ còn 20 trường hợp, đầu năm 2019 còn 14 trường hợp, không để xảy ra tình trạng HNCHT. Qua thống kê của địa phương cho thấy, không còn trường hợp tảo hôn ở độ tuổi 13, 14 (cấp THCS) như trước đây, mà chủ yếu ở độ tuổi 16, 17 và chưa đủ 18 tuổi.
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Tiếng cho biết: “Bên cạnh những mặt đã và đang làm được trong việc giảm thiểu tảo hôn và HNCHT, thời gian tới Phòng Dân tộc huyện Vân Canh sẽ tăng cường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho vùng đồng bào DTTS. Thành lập các CLB giảm tảo hôn và HNCHT, với mục đích tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng tiêu chí nói không với tảo hôn, HNCHT. Tổ chức các buổi nói chuyện tại trường học, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của HNCHT; quan tâm nâng cao sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình... Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS”.
Ông Đinh Văn Lung, Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận xét, việc thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, huyện Vân Canh là một trong những địa phương triển khai đề án và bước đầu đã làm tốt công tác trên. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn tuy có giảm đáng kể nhưng chưa bền vững, do vậy cần tiếp tục phát huy đồng bộ những giải pháp. “Cần tăng cường vận động thuyết phục thanh thiếu niên, gia đình thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; thành lập các điểm tư vấn về hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Các cấp chính quyền địa phương phải kiên quyết, xử lý triệt để tình trạng tảo hôn và HNCHT, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình do thiếu hiểu biết. Thu hút, tập hợp trẻ em vị thành niên vào các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Quan trọng hơn, cần nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để làm tốt hơn trong công tác ngăn ngừa, tuyên truyền và vận động ở địa phương”, ông Lung cho biết thêm.
CHƯƠNG HIẾU