DỰ ÁN NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG GIAI ÐOẠN 2011 - 2020:
“Chìa khóa vàng” cho DN phát triển bền vững
Năng suất và chất lượng trở thành “chìa khóa vàng” cho DN trong bối cảnh hội nhập phát triển. Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2011 - 2020” đã hỗ trợ thiết thực, giúp DN từng bước phát triển sản phẩm tốt, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Dự án do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Bình Định (Sở KH&CN) triển khai, gồm 8 nhóm mục tiêu và 3 nhóm nhiệm vụ: Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng, hỗ trợ DN sản xuất hàng hóa chủ lực nâng cao năng suất và chất lượng, xây dựng phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đến nay, có 14 DN với 31 dự án áp dụng các phương pháp, công cụ 5S - Kaizen, năng suất toàn diện (TPM), thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định. Ảnh: CÔNG TY CUNG CẤP
Nâng cao năng lực cho DN
Ông Phạm Phú Hưng, Giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Ðịnh cho biết, công cụ 5S - Kaizen và TPM trên dây chuyền sản xuất phân bón có từ năm 2014. Nhờ áp dụng các công cụ hiệu quả, năng suất và chất lượng sản phẩm của công ty tăng rõ rệt. Cán bộ, công nhân viên có ý thức giữ gìn môi trường làm việc gọn gàng, ngăn nắp, phát huy nhiều sáng kiến đổi mới dây chuyền sản xuất tăng năng suất lao động 20% - 25%/năm; tiết kiệm chi phí hơn 10%/năm.
Thúc đẩy năng suất và chất lượng góp phần tạo sức bật cạnh tranh cho DN. Áp dụng 5S - Kaizen và TPM từ năm 2013, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) không những duy trì mà còn mở rộng trên 4 dây chuyền sản xuất. Nhờ nâng cao chất lượng, sản phẩm thuốc của Bidiphar tiêu thụ trong và ngoài nước, khẳng định vị trí trong ngành dược cả nước. Năm 2017, Bidiphar là 1 trong 2 DN của tỉnh được Chính phủ trao Giải vàng Chất lượng quốc gia.
Phương pháp thực hành VietGAP được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân triển khai để trồng bưởi da xanh. Mô hình trồng bưởi VietGAP được dự án hỗ trợ từ năm 2018, đến nay trong số 300 ha diện tích đã có 100 ha cho thu hoạch. Hoài Ân xác định bưởi da xanh là cây trồng cũng là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Huyện trồng thí điểm tại 3 hộ trên diện tích 2,5 ha ở xã Ân Đức. Từ năm 2019, Trung tâm phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng để thực hiện phân tích mẫu thử, truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các hộ dân. Đến nay, sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân”, chúng tôi có kế hoạch mở rộng mô hình trong toàn huyện.
Song song đó, dự án còn đẩy mạnh hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo chuẩn quốc tế như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, HACCP, GMP, GAP... với 71 DN được cấp giấy chứng nhận. Hỗ trợ DN đầu tư trang thiết bị các phòng thử nghiệm, có 14 phòng thử nghiệm được Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam công nhận năng lực phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025.
Bidiphar khẳng định vị thế hàng đầu ngành dược phẩm nhờ áp dụng thành công nhiều công cụ của năng suất và chất lượng. Ảnh: BIDIPHAR CUNG CẤP
Phát triển đã khó, lại không được duy trì tốt
Dù vậy, việc triển khai dự án trong giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như nhận thức về năng suất và chất lượng của DN chưa đủ mạnh để tạo ra phong trào sâu rộng; quan niệm về năng suất và chất lượng chưa theo kịp tư duy mới của thế giới, chưa xem đây là một trong những yếu tố quyết định sống còn của mỗi DN.
Ông Phan Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng chỉ ra nguyên nhân là số lượng DN áp dụng các công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng hay áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công bố hợp chuẩn hợp quy, mã số mã vạch... chưa nhiều. Một số DN thực hiện tốt ở giai đoạn đầu, nhưng không duy trì tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN nâng cao năng suất và chất lượng; xây dựng các mô hình, áp dụng công cụ cải tiến kết hợp với hệ thống quản lý tiên tiến; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực năng suất và chất lượng để hỗ trợ DN.
Trực tiếp triển khai dự án từ năm 2011 - 2018, ông Lê Hiểu, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, cho rằng: DN muốn nâng cao năng suất và chất lượng cần đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT; đồng thời ứng dụng kinh nghiệm của thế giới để thúc đẩy năng suất và chất lượng. DN nào duy trì được năng suất và chất lượng thì DN đó phát triển!
Hiện, Sở KH&CN đang tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, lấy ý kiến sở, ngành để trình UBND tỉnh ban hành.
HỒNG HÀ